Đây không chỉ là sân chơi của những nhà làm phim mà còn là cơ hội để phim Việt học hỏi, giao lưu với nền điện ảnh thế giới.
Phim ngắn Việt khởi sắc
30 phim thuộc cả ba thể loại phim truyện, tài liệu và hoạt hình, sẽ đại diện cho 15 nền điện ảnh trên thế giới tham gia tranh giải Phim ngắn tại LHP quốc tế Hà Nội 2016. Đó là các phim đại diện cho Angeria/Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Indonesia, Kyrgyzstan, Mỹ/Ấn Độ, Mexico, Phần Lan, Singapore, Philippines, Slovenia, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Uzbekistan và Việt Nam.
Nước chủ nhà Việt Nam tham gia nhiều nhất với 10 phim: “Bông hoa Mặt trời” (đạo diễn Hồng Linh), “Cá dọn bể” (đạo diễn Chu Ánh Nguyệt), “Dành tặng ông Điều” (đạo diễn Nguyễn Hiền Anh), “Khát vọng người” (đạo diễn Phạm Huyên), “Mèo trắng mèo mun” (đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn), “Ngày mai” (đạo diễn Phan Lê Dzung), “Người mẹ trẻ đỉnh Vài” (đạo diễn Đào Thanh Hưng), “Những mặt phẳng” (đạo diễn Trần Khánh Duyên), “Thành phố khác” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân), “Vọng phu nơi đầu sóng” (đạo diễn Phùng Ngọc Tú).
Loạt phim ngắn tại LHP lần này sẽ cho khán giả thấy được sự đa dạng của điện ảnh thông qua những bộ phim về xã hội, về tình yêu giữa con người với con người đầy tính nhân văn, về thế giới nội tâm của con người, và về những góc nhìn thú vị của cuộc sống.
Phim ngắn thường là một phần không thể thiếu tại các LHP quốc tế. Đây không chỉ là sân chơi dành cho các nhà làm phim trẻ, mà cũng là nơi nhiều nhà làm phim kỳ cựu “thử tay”. Lấy chất liệu từ những câu chuyện có thực trong đời sống, xã hội, chuyển tải những thông điệp bằng ngôn ngữ điện ảnh sống động, cùng với niềm đam mê của mình để tạo những thước phim ngắn sống động, không chỉ cung cấp cho khán giả những cái nhìn sinh động và đa chiều về thế giới, mà còn cho thấy những quan niệm nghệ thuật khác nhau của các nhà làm phim khắp thế giới.
Bước đệm cho nền điện ảnh Việt
Theo thống kê của Cục Điện ảnh, ở Hà Nội hiện có khoảng 40 nhóm làm phim ngắn đang hoạt động. Tại TPHCM có ít nhất khoảng 500 người đang tham gia vào lĩnh vực này theo nhóm hoặc đơn lẻ. Dự án Chúng ta làm phim (TPD) của Hội Điện ảnh Việt Nam đã thu hút 120 nhóm làm phim với 600 học sinh. Tại Việt Nam, nhiều nhà làm phim trẻ không chuyên đã “làm nên chuyện”, gây nhiều bất ngờ khi đã giành nhiều giải thưởng với làm phim 48 giờ.
Trong khi phim truyện Việt chắc vẫn còn khó có cơ hội để vươn mình ra thế giới, thể loại phim ngắn - một thể loại được cho là trẻ, liên tiếp gặt hái nhiều thành quả. Có thể kể đến năm 2013, ở “Góc phim ngắn” của LHP Cannes, đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy đã có cơ hội mang “16:30” - phim đoạt nhiều giải thưởng ở thể loại phim ngắn của Việt Nam - sang Cannes trình chiếu. LHP Cannes 2014, bộ phim ngắn “Tôi 30” của đạo diễn trẻ Minh Đức được chọn trình chiếu và tranh giải tại “Góc phim ngắn”. Tại LHP ngắn Oberhausen (Đức) lần 60, bộ phim ngắn “Mặt trời đen” của đạo diễn trẻ Trương Quế Chi đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ đến từ khắp nơi trên thế giới để nhận giải thưởng đặc biệt của Hội đồng quốc tế.
Đạo diễn Phạm Thu Lê với phim ngắn “Mẹ con Hà” từng được lựa chọn vào danh sách 10 phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất trong dự án “10 tháng 10 phim ngắn” tại TPD do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và đã giành Búp sen vàng hạng mục Phim tài liệu xuất sắc do BGK bình chọn cho biết: “Với tôi, phim ngắn là một trải nghiệm lớn. Mỗi một bộ phim là một câu chuyện và đồng thời cũng là một trải nghiệm của bản thân về câu chuyện đó.
Có câu chuyện không phải của mình nhưng mình được thử sống trong nó. Phim ngắn tuy không yêu cầu khắt khe về tay nghề, đội ngũ diễn viên, yếu tố kỹ thuật… nhưng nó vẫn cần cách làm việc chuyên nghiệp, cần một kịch bản mang tính hình tượng cao, giàu tính sáng tạo và đậm tính nghệ thuật. Cũng bởi vì lẽ đó, nhiều người trong nghề lẫn công chúng đều hy vọng rằng, trong thời gian không xa, với sự khởi sắc đã có từ trong nước, phim ngắn Việt sẽ có tác phẩm đủ sức nặng để đem ra tranh tài ở đấu trường thế giới”.