Đó là một sự đột phá táo bạo chạy theo phong cách hiện đại và hoàn toàn không giữ lại sự cổ điển vốn có của dòng phim hoạt hình Việt Nam. Trẻ em Việt đã có được một series phim hoạt hình nhiều tập vừa hấp dẫn, thú vị lại giàu tính nhân văn.
Hướng đi mới
Có thể kể đến series phim hoạt hình “Chat & Bop”. Bộ phim được chia làm 4 phần, mỗi phần 50 tập, với thời lượng 3 phút/tập. Đó là tập hợp các câu chuyện nhỏ, hài hước xoay quanh mối quan hệ hàng xóm giữa chú chim sâu tên Chát và một chú sâu tên Bốp. Mỗi tình huống chuyện khiến người xem bật cười – đó cũng chính là tính nhân văn ẩn giấu sau những câu chuyện hài hước mà mỗi tập phim muốn hướng tới.
Điểm tạo nên sự khác biệt giữa series phim “Chat & Bop” với các bộ phim hoạt hình Việt Nam khác trong thời điểm hiện tại là phim được làm với phong cách hiện đại, chú trọng vào phần màu sắc tươi vui. Mặc dù phim không có thoại nhưng qua cách xử lý câu chuyện, các tình huống, sự kiện, tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét và sống động.
Đặc biệt, “Chat & Bop” là series phim hoạt hình quy tụ được đông đảo các nhà biên kịch trẻ, các cây viết hiện đang là sinh viên các Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, trường ĐH Văn hoá… và các cộng tác viên trẻ. Lực lượng sáng tác này được chia thành các nhóm biên kịch, cùng phối hợp thực hiện.
Mỗi tập kịch bản trước khi đưa vào sản xuất đều được biên tập kỹ lưỡng và trình duyệt lên Hội đồng thẩm định - là các thành viên nòng cốt trong Hội đồng nghệ thuật. Kịch bản được Hội đồng thẩm định thông qua và bàn giao cho khâu sản xuất sau khi hoàn thành những chỉnh sửa, nâng cao chất lượng theo yêu cầu để đảm bảo nội dung hấp dẫn, kết hợp hài hòa yếu tố giáo dục và giải trí.
Nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, chủ đề các bộ phim hoạt hình hiện nay rộng hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều yếu tố, không chỉ nặng về câu chuyện văn học mà còn có cả những kỹ năng sống, đời sống xã hội...
Vẫn chờ sự bứt phá
Xu thế sản xuất và chiếu phim hoạt hình Việt Nam trên Internet cũng đang được nhiều nhà sản xuất, đạo diễn quan tâm. Bởi đây là xu hướng giải trí mới của một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là trẻ em ở các thành phố. Chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh, iPad, máy tính nối mạng là có thể xem được.
Chính vì vậy, hiện có nhiều phim hoạt hình ngắn gọn, dễ hiểu, chuyển tải những câu chuyện cổ tích, hoặc nhắm tới những bài học về kỹ năng sống, về bảo vệ môi trường đã ra đời. Đơn cử như phim hoạt hình “Dưới bóng cây” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hay “Bố của gà con” của đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn.
Thực tế, phim hoạt hình Việt Nam hiện đang có một nguồn lực rất mạnh, song vì sao với nguồn lực mạnh và khởi đầu rất thành công để lại nhiều dấu ấn trong thời gian qua hoạt hình Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa phát triển được so với thế giới?
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nhà sản xuất hoạt hình thế giới, phim hoạt hình Việt cần có những chiến lược mạnh mẽ hơn, cần sự dấn thân của nhiều đạo diễn, biên kịch, họa sĩ yêu trẻ nhỏ, say mê với mảng phim hoạt hình.