Thế nhưng, để điện ảnh Việt có thể làm nên một “dòng phim văn học thương mại” như nước ngoài đang là một thách thức không nhỏ.
Sự trở lại của dòng phim chuyển thể
Mới đây, “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể thành phim và dự kiến ra rạp trong năm 2017 đang tạo nên một luồng sinh khí mới cho làng điện ảnh Việt.
Trước đó, công chúng đã có dịp thưởng thức những tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển của phim truyền hình Việt Nam như “Chị Dậu” (chuyển thể từ tác phẩm “Tắt đèn” - Ngô Tất Tố), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ loạt truyện ngắn của nhà văn Nam Cao gồm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc”) hay nhiều tác phẩm khác cũng gây không ít sự chú ý như “Giông tố”, “Số đỏ” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Vũ Trọng Phụng), “Lều chõng” (Ngô Tất Tố)…
Những năm qua, điện ảnh Việt Nam cũng tích cực khai thác nguồn sách để cho ra đời những bộ phim có khả năng làm dậy sóng dư luận như “Cánh đồng bất tận”, “Mùa len trâu”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Hương Ga”, “Người trở về”, “Cuộc đời của Yến”... Nhiều tác phẩm văn học đã góp phần làm nên thành công vang dội cho phim sau khi chuyển thể thành kịch bản và ngược lại.
Có thể thấy, sức hút từ những nhân vật và câu chuyện trong các tác phẩm văn học từ xưa đến nay chưa bao giờ giảm với công chúng. Các đạo diễn luôn biết cách khai thác một cách sáng tạo “cái kho vô tận” của văn học cho phim ảnh. Sự phối hợp này khiến cho cả phim và sách đều thành công về mặt doanh thu.
Trong khi thực trạng điện ảnh Việt đang rất thiếu kịch bản có chất lượng, thì việc khai thác “kho vàng” tác phẩm văn học Việt là nguồn tài nguyên phong phú, giàu ý nghĩa nhân văn, văn hóa… góp phần mang lại màu sắc tươi mới cho phim Việt.
Cú hích của điện ảnh Việt
Sự ảnh hưởng của văn học đối với điện ảnh từ lâu đã không thể phủ nhận. Trong các giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới như Oscar, César đều có giải thưởng cho hạng mục kịch bản chuyển thể là minh chứng rõ nhất cho sự công nhận này.
Tuy nhiên, từ tác phẩm văn học, đến kịch bản phim, ra đến hiện trường, hoàn thành tác phẩm là một quá trình dài đòi hỏi người đạo diễn phải dồn vào đó rất nhiều tâm huyết và cả tài năng, biết nắm bắt những gì “đắt” nhất của tác phẩm văn học.
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, khi chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị lâu bền người làm phim không tránh khỏi áp lực vì chẳng dễ gì có những tác phẩm điện ảnh vượt qua được tác phẩm văn học.
Tuy nhiên, mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ và đặc thù riêng, trách nhiệm nặng nề của đạo diễn là làm sao để tác phẩm điện ảnh có giá trị tương xứng với tác phẩm văn học.
Một thực tế thường thấy không phải sách bestseller nào cũng có thể chuyển thể thành phim, và không phải phim nào cũng thành công về doanh thu sau khi bước ra từ một cuốn sách nổi tiếng. Những tác phẩm văn học này đều rất hay, đã có chỗ đứng trong lòng độc giả nhưng xét kỹ số phim lôi cuốn người xem thì không nhiều.
Bởi, chuyển thể tác phẩm thành phim mà vẫn giữ được cái hồn như những trang văn và vượt qua được “cái bóng” của tác phẩm văn học đó là điều không hề đơn giản.
Bình luận