Phim chiến tranh: Kết tụ giá trị lịch sử

GD&TĐ - Vượt qua biết bao thăng trầm cùng đất nước, dòng phim chiến tranh cách mạng vẫn là một đề tài luôn mang lại cảm xúc sâu nặng với khán giả. 

Phim chiến tranh:  Kết tụ giá trị lịch sử

Thành công của những bộ phim về người lính đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn khơi nguồn cảm hứng và không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của biết bao thế hệ nghệ sĩ.

Xúc động với phim chiến tranh

Vào 9 giờ ngày 27/7, bộ phim lịch sử “Những người viết huyền thoại” đã được chiếu miễn phí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016). Đây là phim đã đoạt 6 giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim quốc gia lần thứ 18.

Bộ phim tái hiện cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam thời kỳ những năm 1960, khắc họa hình ảnh gan dạ và anh hùng của những người lính xây đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường khi miền Bắc bị địch ném bom phá hoại, còn chiến trường miền Nam đang đi vào giai đoạn cam go, rất cần sự chi viện lớn của hậu phương. Công việc xây dựng đường ống dẫn dầu, dọc theo đường Trường Sơn gặp vô vàn trở ngại, khó khăn bởi sự đánh phá khốc liệt, liên tục của bom đạn Mỹ, nhưng những người lính ấy dù phải hy sinh cả tính mạng cũng không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Điện ảnh Việt Nam đã từng rất thành công với đề tài chiến tranh. Bộ phim “Người trở về” (biên kịch: Đặng Thái Huyền - Nguyễn Thu Dung; đạo diễn: Đặng Thái Huyền) lấy từ ý tưởng truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam trong năm 2015 và được đánh giá cao trước thềm Liên hoan phim 19.

Với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không còn mang tính tuyên truyền, mà nó hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật.

Kết tụ giá trị lịch sử

Phim chiến tranh của Việt Nam có nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới như “Cánh đồng hoang” hay “Biệt động Sài Gòn”... Không đơn thuần ghi lại những sự kiện lịch sử, phim về đề tài chiến tranh, cách mạng còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ, chất anh hùng ca, sự đấu tranh cho lý tưởng và chính nghĩa, sự khát khao được sống trong hòa bình, tự do.

Mặt khác, không thể không nhắc tới những nghệ sĩ tài năng thuộc các thế hệ đã góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt là những bộ phim về đề tài chiến tranh gần đây hầu hết thuộc thế hệ “7X”, “8X” và có cả “9X”, điều đó chứng tỏ rằng đề tài chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các đạo điễn trẻ.

Đạo diễn Phạm Thành Phong cho rằng, làm phim chiến tranh cũng là để nói về hiện tại, là muốn gửi gắm những bài học về lịch sử và sự hy sinh của cha ông cho thế hệ hôm nay. Khi làm phim chiến tranh là chúng ta đang kể lại một câu chuyện cổ tích có thật cho con cháu chúng ta hiểu rằng cha anh chúng ta đã chiến đấu như thế nào, máu của biết bao người đã ngã xuống để cho lá cờ Tổ quốc thắm đỏ và bay tự do trên bầu trời. Tuy nhiên, dù phim có hư cấu, phóng tác đến mấy cũng phải hợp logic, phải đảm bảo được tính chân thực của lịch sử, chiến tranh.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ đề tài về chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử hay hậu chiến khô khan, không gây cho người ta sự tò mò thích thú như dòng phim thị trường, nhưng theo tôi, người làm phim phải tìm ra đường đi, tiếp cận đề tài một cách tốt nhất. Sản xuất và chiếu phim lịch sử, chiến tranh không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục lịch sử cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.