Thành công của những bộ phim về người lính đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn khơi nguồn cảm hứng và không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của biết bao thế hệ nghệ sĩ.
Đề tài không bao giờ cũ
Gần đây, bộ phim “Người trở về” (biên kịch: Đặng Thái Huyền - Nguyễn Thu Dung; đạo diễn: Đặng Thái Huyền) lấy từ ý tưởng truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Bộ phim khắc họa được những đau thương, mất mát, sự hy sinh của quân và dân trong các cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của dân tộc. “Người trở về” đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam trong năm 2015 và được đánh giá cao trước thềm Liên hoan phim lần thứ 19.
Hai phim truyện còn lại của Điện ảnh Quân đội Nhân dân là “Cánh rừng không yên ả” và “Đất lành” cũng để lại nhiều dấu ấn. “Cánh rừng không yên ả” của đạo diễn Trần Trung Dũng nói về sự hy sinh mất mát của những người lính công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn. Còn “Đất lành” cũng của đạo diễn Đặng Thái Huyền, là một câu chuyện đẹp về tình yêu thời hậu chiến giữa những con người từng ở hai chiến tuyến khác nhau.
“Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng là bộ phim viết về chiến tranh Việt Nam đầy xúc động. Bộ phim đã đoạt 6 giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 18. Phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời kỳ những năm 1960, khi tình thế yêu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng cao và cấp bách. Đặc biệt những mất mát của chiến tranh được phản ánh sinh động, chân thực khiến người xem không thể rời mắt khi xem.
Gửi gắm niềm tin vào người trẻ
Mang đến hình ảnh rất thực về cuộc chiến vừa tàn khốc, vừa lãng mạn, vừa hấp dẫn bởi những cảnh chiến đấu ác liệt, vừa xúc động với những đau thương mất mát luôn là trăn trở của các nhà làm phim Việt. Với cách thể hiện mới mẻ độc đáo, những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không còn mang tính tuyên truyền, mà nó hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Đề tài về chiến tranh chưa bao giờ cũ, nhàm chán, mà quan trọng là câu chuyện về chiến tranh được kể như thế nào, có sức lay động lòng người hay không, có chạm được đến trái tim khán giả mới là điều cốt lõi”. Qua bộ phim “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và nay là “Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền), nghệ sĩ tin tưởng rằng những tài năng trẻ kế tục sự nghiệp, tiếp bước “lửa nghề” mà các thế hệ cha chú từng có thời gian dấn thân, mở lối.
Để bộ phim kéo được công chúng đến rạp, các nhà làm phim phải đầu tư một cách toàn diện, từ kinh phí đến các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư về con người. Điện ảnh Việt Nam cần có những đội ngũ nhà làm phim chuyên nghiệp, tài năng và đam mê, “cháy” hết mình vì nghệ thuật.
Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền: “Mọi người thường nghĩ đề tài về chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử hay hậu chiến khô khan, không gây cho người ta sự tò mò thích thú như dòng phim thị trường, nhưng theo tôi, người làm phim phải tìm ra đường đi, tiếp cận đề tài một cách tốt nhất. Sản xuất và chiếu phim lịch sử, chiến tranh không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục lịch sử cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.