Philippines ngổn ngang sau cuộc “bình định” Marawi

GD&TĐ - Từ ngày 30/5, quân đội Philippines tuyên bố đã kiểm soát được thành phố Marawi, sau khi tiến hành một loạt các vụ không kích nhằm giành lại quyền kiểm soát đối với một thành phố Hồi giáo vốn bị các tay súng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm chiếm tuần trước. 

Quân chính phủ Philippines trong trận chiến giành lại quyền kiểm soát Marawi
Quân chính phủ Philippines trong trận chiến giành lại quyền kiểm soát Marawi

Đó là một thông tin đáng khích lệ, nhưng cũng có nhiều điều để nói sau sự cố quân sự này.

Mindanoa hỗn loạn

“Các cuộc không kích đang được tiến hành một cách thận trọng để ngăn ngừa thiệt hại ngoài ý muốn, nhằm vào các mục tiêu kháng cự, nhằm bảo vệ quân đội của chúng tôi và thúc đẩy nhanh chóng việc giải phóng thành phố khỏi các phần tử khủng bố đang ngoan cố chống cự”, phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Restituto Padilla phát biểu với Thông tấn xã Philippines.

Sự kiện Marawi “thất thủ” diễn ra khi người Hồi giáo khắp thế giới bắt đầu tháng Ramadan thiêng liêng của tôn giáo này. Mặc dù Philippines là một quốc gia có đa số dân cư là người Công giáo, nhưng đảo Mindanoa có dân số Hồi giáo khá đáng kể. Các chiến binh Maute có liên quan đến IS đã nã súng vào các nhà thờ và các tòa nhà khác khi họ tấn công thành phố, treo cờ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo mà các chiến binh đã thề trung thành.

Cuộc tấn công của các chiến binh Maute khiến cuộc sống ở Mindanoa hỗn loạn, các gia đình vội vã đóng gói đồ đạc vào xe và lo lắng vượt qua những điểm nóng nguy hiểm. Theo một thông báo trên trang Facebook chính thức của thành phố này, một phần của thành phố Iligan kề đó cũng đang bị khóa chặt với lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Mạng sống trị giá 5 triệu USD

Trong một tuần giao tranh, hơn 100 người Marawi nơi này đã thiệt mạng, 70.000 người buộc phải rời khỏi thành phố vốn có dân số 200.000 người này. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Joar Herrara, hơn 80 tay súng đã chết; 17 quân nhân và 3 cảnh sát đã thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, các chiến binh đã hành quyết hơn chục người, nhiều người khác bị bắt làm con tin.

Trong khi chính phủ tiến hành không kích chống lại các nhóm quân của Maute, 11 con tin đã trốn thoát và bơi qua sông để tiếp cận quân đội của chính phủ ở bờ đối diện, trong đó một người đã thiệt mạng. Các con tin vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại việc họ chứng kiến những người bạn đã bị chặt đầu ngay trước mắt và bị cảnh báo sẽ chịu chung số phận nếu chính phủ không đáp ứng các yêu sách của quân khủng bố.

Các nguồn tin cho rằng, lực lượng chiến binh Maute đang chiến đấu bảo vệ Isnilon Hapilon, một lãnh đạo lâu năm do IS chỉ định cho nhóm khủng bố ở Đông Nam Á. Cuộc chiến đang diễn ra khiến quân đội Philippines càng tin tưởng rằng, Hapilon, người bị FBI treo giá 5 triệu USD, vẫn còn trụ trong thành phố.

Chính phủ không đơn độc

Khi chiến sự ở Marawi đang bước vào cao trào, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ cuối tuần trước đã hé lộ rằng, ông có thể sẽ tiếp xúc với các nhóm nổi dậy quốc gia, vốn gần đây đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Philippines như một cách thể hiện sự ủng hộ trong cuộc chiến chống lại IS.

Sau khi cuộc khủng hoảng nổ ra, ông Duterte tuyên bố luật chiến tranh ở đảo Mindanao. “Nếu luật chiến tranh kéo dài và các bạn muốn giúp chúng tôi chiến đấu cho nước cộng hòa, tôi sẽ mời bạn tham gia như những người lính, có cùng mức lương, các quyền lợi và thậm chí cả nhà”, Duterte nói trong một thông điệp gửi tới Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và Mặt trận Giải phóng Quốc gia Moro.

Duterte cũng tuyên bố rất có thể luật chiến tranh sẽ được kéo dài đến hết năm hoặc mở rộng trên toàn quốc, mặc dù Hiến pháp của đất nước này chỉ cho phép tuyên bố và duy trì luật chiến tranh trong 60 ngày, bất kỳ sự gia hạn nào đều phải được các nhà lập pháp chấp thuận. 15 trong số 23 thượng nghị sĩ đã ký một quyết định ủng hộ tuyên bố hiện thời của Duterte.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ