Philippines đào tạo giáo viên cho chương trình học tập suốt đời

GD&TĐ - Chính phủ Philippines mới đây thông qua chương trình giáo dục nhằm đào tạo giáo viên cho các cộng đồng yếu thế trên toàn quốc.

Một lớp học xoá mù chữ tại nhà tại Philippines.
Một lớp học xoá mù chữ tại nhà tại Philippines.

Chương trình nằm trong dự án “Hệ thống Học tập Thay thế quốc gia” (ALS).

Với hơn 7 triệu thanh thiếu niên, người lớn không được đi học, Philippines đứng thứ 5 thế giới về số lượng người trưởng thành không có bằng cấp.

Năm 2020, chính phủ nước này đã thông qua dự án ALS nhằm xoá mù chữ cho người dân ở những khu vực khó khăn hoặc trong những cộng đồng bị thiệt thòi tại Philippines.

Đến nay, dự án ALS vấp phải nhiều khó khăn do thiếu giáo viên. Vì vậy, chương trình đào tạo giáo viên ALS nhằm mục tiêu tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực góp phần hoàn thiện mục tiêu xoá mù chữ trên cả nước. Đồng thời, dự án nhằm cung cấp thế hệ giáo viên mới để thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời trên toàn quốc.

Theo đó, từ học kỳ tới, Trường Cao đẳng Giáo dục UP Diliman, thuộc Đại học Philippines Diliman, sẽ tuyển sinh cho chương trình đào tạo giáo viên ALS. Đối tượng đăng ký xét tuyển là học sinh cuối cấp THPT hoặc sinh viên đại học có nhu cầu tham gia dự án ALS.

Người học được trau dồi kỹ năng giảng dạy các môn phổ thông như Toán, Đọc - Viết, cùng các kỹ năng về tâm lý học, giáo dục giới tính, phát triển cộng đồng... Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được phân công về giảng dạy tại các khu vực khó khăn, cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi tại Philippines.

Với mục tiêu xoá mù chữ cho người dân Philippines ở những khu vực khó khăn, đối tượng giảng dạy của họ là không giới hạn độ tuổi.

Theo Philstar

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ