Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách hành chính của Thủ tướng

GD&TĐ - Ngày 8/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa ban hành, Tổ công tác gồm 15 thành viên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng.

Tổ công tác đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính cần tập trung: Chỉ đạo đôn đốc những tháng cuối năm theo nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ;

Thực thi cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được phê duyệt gồm trên 120 thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân của 16 bộ, cơ quan. Trên 400 quyết định kinh doanh, nhóm quyết định kinh doanh của 9 bộ, cơ quan. Trên 100 thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính cần phân cấp thẩm quyền giải quyết của 17 bộ, cơ quan;

Rà soát, báo cáo Thủ tướng phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa 13 nhóm quy định, thủ tục hành chính trọng tâm thuộc phạm vi quản lý của 9 bộ, trong đó có 2 nhóm chung của các bộ, cơ quan liên quan;

Trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt, giảm, đơn giản hóa 59 nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 6 bộ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, cải cách hành chính góp phần tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy Tổ công tác cần giao nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ ngành, địa phương và phân công cho từng thành viên để đeo bám.

Theo Phó Thủ tướng, cải cách thủ tục hành chính còn chậm do một số nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân có nơi có người không mong muốn sự minh bạch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Hết sức mong muốn các đồng chí ở bộ, ngành, địa phương phân cấp mạnh mẽ.

Chúng ta ở Trung ương như Thủ tướng vẫn nói, chúng ta làm chính sách, chúng ta đi kiểm tra giám sát, công việc chạy hơn nhiều. Chúng ta không chỉ cắt giảm một cách máy móc mà làm sao phải đáp ứng 2 yêu cầu.

Vẫn kiểm soát được tình hình, vẫn thực hiện được công tác quản lý nhà nước của mình và thực sự tạo sự thuận tiện hơn cho người dân.

Đề nghị Văn phòng Chính phủ Thường trực tổ công tác có ngay một văn bản giao việc, bộ ngành nào các đồng chí phải làm tới thời hạn nào xong".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ