Phiên họp thứ 5 ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Khắc phục hạn chế đối với giám sát chuyên đề

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 5, ngày 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phiên họp thứ 5 ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:  Khắc phục hạn chế đối với  giám sát chuyên đề

Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn

Ủy ban Pháp luật có quan điểm, trình tự tiến hành hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là nội dung đã được quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. So với quy định của Luật, dự thảo Quy chế bổ sung mới một số nội dung như quy định về người phát biểu khai mạc, chủ trì, phát biểu kết thúc, bế mạc phiên họp chất vấn.

Tuy nhiên, trách nhiệm chủ tọa, điều hành, phân công điều hành các phiên họp của Quốc hội đã được quy định tại Điều 64 và Điều 95 Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 15 Nội quy kỳ họp Quốc hội, do đó, không cần thiết quy định cứng như trong dự thảo Quy chế. Mặt khác, trình tự tiến hành phiên họp chất vấn tại kỳ họp Quốc hội là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, vì vậy, cần cân nhắc không quy định lại trong Quy chế này.

Về vấn đề “hậu giám sát”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, về thời gian trả lời chất vấn bằng văn bản cần quy định rõ từ 3 - 5 ngày. Ngoài ra, đối với quy định người được chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn thay mình cũng cần mềm dẻo trong trường hợp người được chất vấn có nhiệm vụ quan trọng khác không thể không thực hiện ngay. Trường hợp này có thể báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Quy chế để UBTVQH thông qua tại phiên họp lần sau.

Cụ thể phương thức hoạt động giám sát

Nhằm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua đối với giám sát chuyên đề, Quy chế quy định cách thức tổ chức các Đoàn giám sát theo định hướng: Trưởng các đoàn công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH phải là Ủy viên UBTVQH, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các đoàn công tác khi làm việc với các cơ quan, địa phương. Quy định cụ thể về nguyên tắc, các phương thức hoạt động của Đoàn giám sát để Đoàn giám sát, các cơ quan hữu quan chủ động, thống nhất khi tổ chức thực hiện. Quy định rõ hơn về trần số lượng các đoàn công tác, các địa phương cần giám sát, số lượng đại biểu tham dự, thời gian trình bày báo cáo...

Quan điểm của cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành theo hướng cần quy định các nội dung này trong dự thảo Quy chế. Tuy nhiên, đề nghị không quy định những nội dung quá chi tiết như thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm, số lượng đại biểu, thời gian trình bày tham luận… nội dung này nên để Trưởng đoàn giám sát xem xét, quyết định linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, một năm ít nhất có 2 cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, 2 cuộc giám sát của UBTVQH, các Ủy ban có ít nhất 2 cuộc nữa thì tổng số cuộc giám sát tương đối lớn. Do đó, về số lượng một số hoạt động giám sát cần phải quy định điều hoà cách làm để tránh gây khó khăn, bức xúc cho địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.