Phía sau nước mắt

Phía sau nước mắt

(GD&TĐ) - Nước mắt rồi sẽ tới lúc cạn khô. Mỗi người rồi sẽ phải gượng dậy để làm tiếp nghĩa vụ đối với người đã mất. Vậy đằng sau nước mắt là gì? Thầy giáo Phạm Công Hải, giáo viên Trường THCS Hòa Phước 2 (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đón chúng tôi trong không khí trầm mặc ở đám tang trước giờ khâm liệm. Hàng xóm láng giềng đều đến, lẳng lặng ngồi uống trà chờ đến giờ nhập quan cho cô giáo Nguyễn Thị Mai, vợ của anh (bị tử nạn trong chuyến xe đi tham quan đâm vào vách núi ngày 7/6).

->> Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi thư thăm hỏi gia đình giáo viên bị tai nạn
->> Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia buồn với gia đình giáo viên tử nạn
->> Lay động tình người trong đau thương
->> Xe chở giáo viên đi tham quan đâm vào vách núi
v
Thứ trưởng Bùi Văn Ga thắp hương trước bàn thờ cô giáo Nguyễn Thị Minh

Gương mặt Hải vẫn in hằn vết ngây dại của nỗi đau trong lòng, nỗi buồn nội tâm và sự mệt mỏi với những biến cố xảy ra. Nhưng anh vẫn mạch lạc kể từng chi tiết trước thời điểm vợ ra đi vĩnh viễn. Đó là lúc bé Minh Giang, con gái anh lấy điện thoại gọi cho mẹ để kể ba sẽ đưa bé về bên nội. Theo đúng lịch trình, hai vợ chồng anh hẹn nhau chiều 8/6 sẽ gặp nhau sau khi đoàn về đến, rồi lên nhà nội đón bé Giang.

Hải nói lúc tin biến cố đến tai, anh không biết mình nghĩ gì. Anh chỉ lật đật theo mọi người, lên máy bay bay vào Nha Trang, cùng các cô thầy và lãnh đạo Phòng Giáo dục Hòa Vang đến nhận thi hài. Trong đầu anh chỉ một nỗi niềm thương con gái, sau những ngày ríu rít đợi mẹ sẽ không còn mẹ nữa. “Giờ nó biết mẹ mất rồi nhưng nó vẫn chưa hiểu hết mọi việc, chỉ lạ là người ta đến nhà nhiều”.

Trong ống kính của chúng tôi, bé Minh Giang ngơ ngác ngồi ăn từng thìa mì do dì họ xúc cho. Cô bé nóng và mệt, không hề khóc, nhìn mọi người trân trân.

Anh Ma Văn Tính cũng rất bình tĩnh để nói về những mất mát gia đình. Lúc biết hung tin, anh bàng hoàng thất thần không tả được. Mãi đến lúc ngồi trên xe chở người vợ quay về Đà Nẵng, anh mới bần thần nghĩ đến những việc phải làm. Là cán bộ phân xưởng cơ giới nhà máy A32, từ lâu anh đã là một người lính, miệt mài tham gia kiểm tra định kỳ máy móc đo đạc chính xác phục vụ công tác bay cho các đơn vị bộ đội phòng không khu vực miền Trung.

Bởi thế, anh đã đi nhiều và nhìn thấy những điều cuộc sống mang lại. Hạnh phúc gia đình anh từ ngày xây dựng, năm 2002 đến nay, là những chuỗi ngày xa nhau giữa anh và cô giáo Phạm Thị Thủy. Cậu con trai Ma Trung Kiên là đúc kết của niềm vui trong 10 năm hạnh phúc có sự đợi chờ ấy. Anh đón nhận tất cả tổn thương với sự điềm đạm từng trải của mình, và niềm tin bên cạnh luôn có đồng đội chia sẻ. “Tính là người dân tộc Tày ở Cao Bằng, nên anh ấy “lì” lắm. Cả đơn vị đều ở đây cả, mọi người đều tin Tính sẽ vượt qua cơn sốc này bình tâm”, một đồng đội cùng đơn vị anh đánh giá như vậy.

Phía sau nước mắt, cuộc đời mỗi người lại đối diện với những việc cần tiếp tục làm. Với anh Ma Văn Tính, là con gái Ma Hoa Thủy Tiên đang chập chững lên 3 tuổi và công việc hàng ngày của đơn vị sẽ còn đòi hỏi anh lên đường.

Với anh Phạm Công Hải, là con gái Phạm Thị Hương Giang sẽ vào lớp 1 và những giờ đứng trên bục giảng bộ môn Vật lý Trường THCS Hòa Châu 2 cùng mái nhà làm dở dang xây 3 năm chưa thành. Và còn rất nhiều, rất nhiều những giáo viên khác sẽ trở về nhà sau biến cố bất ngờ với họ.

Sẽ có bao nhiêu bàn tay tiếp nối, giúp đỡ họ trong những ngày tháng tới, đó mới là vấn đề để mỗi người quan tâm. Song cơ bản, những người trong cuộc sẽ biết họ cần làm gì. Như lúc chia tay, anh Hải đã mỉm cười cho dù trên khóe mắt anh vẫn ngấn nước: “Mình nghĩ sẽ đủ sức đối mặt mọi việc, dĩ bất biến ứng vạn biến thôi mà”.

Uyên Nghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ