Phi công có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

GD&TĐ - “Đứng về góc độ người lao động, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của các phi công, bởi họ có quyền được từ chối những công việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi công việc đó không phù hợp với họ, nhất là về lương…” – đó là chia sẻ của PGS.TS Vũ Quang Thọ, Chuyên gia về Lao động - Tiền lương.

Phi công của Vietnam Airlines. Ảnh: Internet
Phi công của Vietnam Airlines. Ảnh: Internet

Liên quan đến quy định trong Thông tư 21/2017 (thay thế Thông tư 41/2015) của Bộ GTVT yêu cầu người lao động là nhân viên hàng không có trình độ cao (phi công) muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Chuyên gia về Lao động - Tiền lương thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Quy định người lao động muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày là trái với Bộ luật Lao động. Hơn nữa, Hiến pháp cũng có quy định khá rõ ràng về quyền của người lao động, nên điều này trái với Hiến pháp và không phù hợp”.

Phân tích nêu trên của PGS.TS Vũ Quang Thọ đã đồng thuận với các vấn đề mà Báo GD&TĐ phản ánh về quy định trong Thông tư 21/2017 của Bộ GTVT vi phạm Hiến pháp, vi phạm Bộ luật Lao động và có dấu hiệu vi phạm Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức, 1930 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết, cách đây khoảng 5 năm một số phi công của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và của một số hãng tư nhân đã không muốn làm việc cho Vietnam Airlines mà chuyển sang làm việc cho một số hãng nước ngoài. Đồng thời, đầu quân vào một số hãng tư nhân mới thành lập ở nước ta. Về vụ việc này, PGS.TS Vũ Quang Thọ nhận xét: “Đây là quyền của người lao động, người ta có quyền được cung ứng sức lao động ở những nơi nào mà điều kiện làm việc, lương bổng các thứ phù hợp với người ta”.

Cũng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, tại thời điểm đó, có ý kiến cho rằng nhân viên hàng không có trình độ cao (phi công) là loại lao động đặc thù nên không thể tùy tiện đơn phương châm dứt hợp đồng.

Nhưng theo phân tích của PGS.TS Vũ Quang Thọ: “Đây không phải là chuyện đơn phương mà người ta đã cân nhắc rất kỹ, vì lương của hàng không Việt Nam là lương quốc doanh đưa ra không đủ đảm bảo đời sống của họ. Tất nhiên, không phải là đời sống tối thiểu vì lương của phi công là rất cao, nhưng không đủ bảo đảm đời sống của họ khi so sánh chi tiêu với các phi công khác. Cho nên những phi công của Vietnam Airlines có quyền từ chối những công việc không phù hợp với họ, vì đây là quyền của họ.

Việc người lao động bức xúc, nếu là những doanh nghiệp bên ngoài - chúng ta có thể sẽ chứng kiến họ đình công. Nhưng đối với Vietnam Airlines là một doanh nghiệp giao thông, lại là doanh nghiệp nhà nước cho nên các phi công không đình công mà chỉ bày tỏ bằng chính kiến của họ qua việc gửi đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại mong muốn của mình.

PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng: “Người lao động (phi công-PV) chỉ mong muốn điều chỉnh tiền lương ngang bằng tiền lương của những người giống như họ nhưng đang làm việc trong ngành hàng không của các hãng khác, đó không phải là đòi hỏi ghê gớm. Cơ quan có thẩm quyền cần phân tích được điều đó, vì người lao động hàng không, các phi công chỉ đòi hỏi được đối xử bình đẳng với những phi công hàng không khác”.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Vũ Quang Thọ chia sẻ: “Đứng về góc độ người lao động, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của họ, bởi họ có quyền được từ chối những công việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi công việc đó không phù hợp với họ nhất là về lương. Vì người ta sống là bằng lương, nói gì cũng bằng lương, chính trị cuối cùng cũng quy là tiền lương, cũng từ kinh tế mà ra. Thực ra, chính trị cũng tập trung ở kinh tế, không có kinh tế thì không có chính trị được. Cho nên ý kiến của họ là hoàn toàn phù hợp và hợp lý”.

“Khi mà chúng ta cùng một sân bay, cùng một bến đỗ, cùng một thị trường, cùng một chế độ, thì phải đối xử bình đẳng. Vì thế cho nên cách họ làm là hoàn toàn phù hợp, và tôi ủng hộ các phi công” – PGS.TS Vũ Quang Thọ nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.