"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch

GD&TĐ - Dịch Covid-19 phức tạp, các bệnh nhân nặng ngày càng nhiều, sự ra đời của các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh là 1 phép màu dành cho các F0 không may trở nặng, giúp họ có thể sớm hồi phục sức khỏe.

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch

Bố trí riêng đội ngũ điều dưỡng hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân nguy kịch

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đăng tải bài viết về Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập tại Bệnh viện Dã chiến số 14 của TP Hồ Chí Minh - Phép màu cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch.

Trung tâm chính thức đi vào hoạt động chỉ sau 2 tuần thi công vào cuối tháng 8. Đây là 1 trong các trung tâm thuộc tuyến cuối trong mô hình điều trị người bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Số bệnh nhân nhập vào trung tâm tăng liên tục mỗi giờ nhưng tại đây lực lượng y bác sĩ luôn sẵn sàng túc trực đêm ngày và thực hiện quy trình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch ảnh 1

GS-TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Một ca trực của y bác sĩ ở đây diễn ra trong vòng 24h, trong mỗi 24h thì chúng tôi bố trí thành 2 kíp trực của bác sĩ và như vậy là bác sĩ là 2 ca 3 kíp và điều dưỡng là 5 ca 4 kíp để đảm bảo sức khỏe cũng như là đủ thời gian để chăm sóc bệnh nhân, cũng như là đảm bảo cho việc mang phương tiện phòng hộ".

Bên cạnh việc điều trị bằng các phương tiện kỹ thuật cao thì vấn đề về dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho bệnh nhân cũng được bệnh viện vô cùng chú trọng. Điều này đã góp phần giảm đi tỷ lệ bệnh nặng lên và góp phần hiệu quả trong công tác phối hợp điều trị.

Tại đây khẩu phần ăn của bệnh nhân được cân đo đong đếm sao cho phù hợp với thể trạng từng người. Bên cạnh đó, bệnh viện còn hợp tác với một đơn vị nấu ăn riêng để đảm bảo các suất ăn được cung cấp liên tục và đạt chuẩn mà bệnh viện đề ra.

Riêng đối với những bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện bố trí thêm đội ngũ điều dưỡng hỗ trợ chăm sóc vệ sinh răng miệng, tắm rửa, gội đầu. Công việc chăm sóc cá nhân tưởng chừng đơn giản nhưng khi thực hiện ở những bệnh nhân nguy kịch, đang phải thở máy, xung quanh là ống thở, máy móc thì không đơn giản chút nào. Vậy mà đều đặn mỗi ngày, bệnh nhân đều được vệ sinh sạch sẽ, đúng giờ.

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch ảnh 2

Hiệu quả cao cho bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch

Tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, hoạt động phục hồi chức năng cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch nên đã điều động vào Thành phố đông đảo đội ngũ điều dưỡng, đã được huấn luyện bài bản về vấn đề này.

Điều dưỡng Lê Văn Sáng, Điều dưỡng trưởng Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh thông tin thêm: "Đối với các bệnh nhân nặng, nặng nhưng chưa nguy kịch thì phục hồi chức năng để giảm tải nguy cơ bệnh nhân từ nặng chuyển sang nặng hơn.

Bệnh nhẹ không chuyển thành bệnh nặng, làm sao đó mà bệnh nhân còn thở được phải tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, có nghĩa là hỗ trợ chức năng thở được tăng lên.

Đối với bệnh nhân thở máy thì cũng tập phục hồi chức năng để giảm nguy cơ ứ đọng đờm dãi, nguy cơ loét và các nguy cơ về teo cơ trật khớp… Buổi sáng làm từ 7h30-11h, chiều 14h-17h và trường hợp bệnh đông cũng có phục hồi chức năng tập các giờ đêm để vận động cho các bệnh nhân".

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch ảnh 3

Robot điều khiển từ xa phát huy vai trò hiệu quả hỗ trợ nhân viên y tế

Đặc biệt, chung sức cùng các y, bác sĩ tại Trung tâm hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 14 còn có đội robot hiện đại. Trung tâm có ba robot điều khiển từ xa, thay thế nhân viên y tế vận chuyển thuốc men, thức ăn, sữa và vật tư tiêu hao từ bên ngoài vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19.

GS-TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chúng tôi đem vào từ Bệnh viện Trung ương Huế các phương tiện hiện đại như là máy ECMO, máy thở lọc máu liên tục và các loại máy thở vô cùng hiện đại cũng như Bộ Y tế đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều máy thở hiện đại để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân".

Robot còn có thể nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài để bác sĩ theo dõi thông qua hệ thống camera giám sát. Điều này giúp y bác sĩ giảm áp lực, giảm tiếp xúc với bệnh nhân, hạn chế lây nhiễm trong quá trình điều trị. Riêng robot Tâm An là robot được chính các y bác sĩ của bệnh viện trung Ương Huế trực tiếp nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thực tiễn từ tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, tại trung tâm còn có một cánh tay robot nối dài để chụp X-quang phổi tại giường, bệnh nhân không cần đến phòng chụp, giúp giảm thời gian di chuyển và giảm nhân sự cũng như sức người.

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch ảnh 4

ThS. Huỳnh Phúc Minh, Trưởng bộ phận Tổ chức - Hành chính - Quản trị - Hậu cần Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh tâm sự: "Thực chất robot không thể so với con người được, chỉ hỗ trợ cho các bác sĩ, nhân viên y tế trong các khu vực cách ly nhưng thuận tiện hơn là nó rất hiệu quả, làm giảm nhu cầu, giảm đi phương tiện phòng hộ rất nhiều, một ngày tiết kiệm kinh tế hiệu quả có thể 30 triệu đồng/ngày".

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 14 của TP Hồ Chí Minh có quy mô trên 600 giường, phân theo 3 tầng bệnh khác nhau: Bệnh nhân nặng và nguy kịch, bệnh nhân thoát hồi sức và bệnh nhân chờ xuất viện.

Xây dựng quy trình với các bệnh nhân rất chặt chẽ

TS. BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: "Chúng tôi đưa ra quy trình phân luồng 1 chiều, bệnh nhân có đường đi riêng, nhân viên y tế có đường đi riêng và bệnh nhân ra viện có đường đi riêng.

Đối với đường đi của nhân viên y tế thì chúng tôi cũng đi 1 chiều, đi từ vùng sạch qua vùng bẩn và sau đó là quay trở lại để tắm rửa sạch sẽ và khi đó thì mới quay trở lại ở các vị trí làm việc. Đối với các bệnh nhân mà ở khu vực ICU, khu vực nặng và nguy kịch hoặc những bệnh nhân ra viện thì chúng tôi cũng xây dựng quy trình rất là chặt chẽ".

Hiện nơi đây có hơn 400 y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia công tác cứu chữa cho người bệnh, trong đó lực lượng chủ lực là các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó, còn có các y, bác sĩ thuộc Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa…

"Phép màu" cho những ca bệnh Covid-19 nguy kịch ảnh 5

TS. BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế về thiết lập 1 Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh thì chúng tôi đã gấp rút cử 1 đội quân vào đây để khảo sát vị trí đặt Bệnh viện dã chiến, nơi đây là 1 công ty dệt may cũ và họ đã không sử dụng từ lâu, các cơ sở vật chất thì xuống cấp trầm trọng.

Với sự nỗ lực của đội ngũ bệnh viện lên bản vẽ thiết kế và với sự hỗ trợ rất là nhiệt tình từ lãnh đạo của Thành phố, từ lãnh đạo các sở ban ngành, cũng như là Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì trong vòng 2 tuần chúng tôi đã xây dựng, thiết lập và khắc phục rất nhiều sự cố ở tại chỗ này để cố gắng trong thời gian sớm nhất đưa bệnh viện vào hoạt động, góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng đang ở các bệnh viện tuyến dưới mà chưa có nơi để chuyển đến".

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, các bệnh nhân nặng ngày càng nhiều tại TP Hồ Chí Minh, sự ra đời của các Trung tâm Hồi sức tích cực trên địa bàn thành phố nói chung, cũng như Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại bệnh viện Dã chiến số 14 của TP Hồ Chí Minh nói riêng với những trang thiết bị hiện đại, cùng quy trình chăm sóc toàn diện thì đây là một phép màu dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19 không may trở nặng, giúp họ có thể sớm hồi phục sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ