Kỹ thuật này được khoa Ngoại Lồng ngực của bệnh viên lần đầu áp dụng trên 2 trường hợp bệnh nhân là Ng. Th. K. L (55 tuổi, P. An Cư – Q. Ninh Kiều và Ph.Th. T (43 tuổi, P An Phú – Q. Ninh Kiều) vào ngày 23/1 0vừa qua với sự hỗ trợ kỹ thuật của TS.BS. Huỳnh Quang Khánh, Trưởng khoa Tuyến vú - Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tình trạng của bệnh nhân Ph.Th. T là trường hợp bướu đa nhân thùy trái với kích thước 13x8mm, đối với bệnh nhân Ng. Th. K. L khối u kích thước 26x15mm.
U tuyến giáp phát triển trên nền bướu giáp nhân. U tuyến giáp lành tính là bệnh khá thường gặp. Hiện trên thế giới, tỉ lệ người mắc khối u tuyến giáp lành tính có thể lên đến 50% dân số.
Đa số những khối u này có kích thước nhỏ, không gây ra các bất thường về mặt chức năng cũng như hình thái của tuyến giáp. Tuy nhiên, nếu để lâu khối u phát triển có thể biến chứng thành ung thư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
BSCKII. Phạm Văn Phương, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực cho biết: Phương pháp sử dụng vi sóng để giảm kích thước các nhân tuyến giáp lành tính giúp cho người bệnh không cần phải phẫu thuật, thời gian nằm viện ít.
Trước đây, đối với nhân tuyến giáp lành tính thường được điều trị nội khoa (dùng thuốc), phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp (nội soi hoặc mổ mở).
Hiện nay, việc điều trị nhân tuyến giáp lành tính có thể được thực hiện bằng kỹ thuật vi sóng. Khi người bệnh tham gia phương pháp này sẽ được gây tê tại chỗ mà không cần gây mê toàn thân, bác sĩ chọc một mũi kim vào khối u để đốt bằng vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm, thời gian đốt chỉ khoảng 15 - 30 phút.
Phẫu thuật u tuyến giáp bằng kỹ thuật vi sóng được xem là phương pháp mới và tối ưu nhất hiện nay trong điều trị u tuyến giáp. Hiện phương pháp này mới được áp dụng tại các bệnh viện tuyến trung ương hoặc bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.