Đây là trường hợp đầu tiên ở miền Trung được phẫu thuật tạo hình thành công lại tầng mặt giữa sau ung thư tế bào đáy xâm lấn rộng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. tiền sử có nốt ruồi vùng mũi từ nhỏ. Cách đây 4 năm, nốt ruồi ở mũi có xu hướng loét dần, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán ung thư tế bào đáy vùng mũi nhưng không được điều trị và được bác sĩ khuyên về nhà.
Trong 4 năm, từ một vết loét nhỏ bằng hạt đậu đã lớn dần thành khối u và lan rộng xâm lấn toàn bộ vùng mũi, lan ra hai má, xâm lấn gần 1/2 môi trên, đặc biệt là ở vùng gốc mũi lan qua gốc mắt trong bên phải.
Gần đây, vết loét xuất hiện nhiều dịch và mùi hôi thối do u xâm lấn xuống tổ chức sâu gây hoại tử xương sụn vách mũi; đồng thời ngày càng chảy máu thường xuyên hơn, mắt phải hay chảy ghèn nhiều hơn nên người nhà bệnh nhân rất lo lắng.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. nhập viện vào ngày 3/3 trong tình trạng rất lo lắng, mệt mỏi, thể trạng gầy, không sờ thấy hạch vùng; khối u sùi loét chảy máu vùng tầng mặt giữa, tiết dịch vàng kèm hôi thối. "
Kết quả xét nghiệm cho thấy không có gì đặc biệt về bệnh lý nội khoa ngoại trừ yếu tố tuổi già; tuy nhiên về phương diện ngoại khoa đây là trường hợp khó khăn, tổn thương liên quan đến 5 đơn vị thẩm mỹ vùng mặt (mũi, 2 má, môi trên và gốc mắt trong bên phải); đặc biệt là gốc mắt trong bên phải nghi ngờ có xâm lấn sâu.
Do đó việc tạo hình sẽ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là khả năng làm sạch tế bào ung thư là không thể, thậm chí là phải múc bỏ mắt phải. Rất may là chụp CT scanner khối tổn thương nằm nông, khả năng chưa xâm lấn sâu đến xương”, ThS.Bs.Lê Hồng Phúc cho biết.
Bệnh nhân được hội chẩn toàn khoa và bác sĩ chuyên khoa Gây mê hồi sức để lên kế hoạch phẫu thuật cắt khối u và tạo hình. Qua hai lần phẫu thuật chúng tôi đã áp dụng các phương pháp tối tân để cứu sống bệnh nhân.
BN Nguyễn Thị Th. đang làm phẫu thuật, ảnh do ThS.Bs.Lê Hồng Phúc cung cấp |
ThS.Bs.Lê Hồng Phúc cho biết thêm: Sau khi đánh giá lại tổn khuyết, chúng tôi đã quyết định chọn lựa giải pháp "tạo hình khuyết hổng bằng vạt tại chỗ”.
Bệnh nhân được phẫu thuật lần 2 sau đó 1 tuần với phương pháp phẫu thuật Mohs sinh thiết tức thì để làm sạch các bờ và đáy vùng khuyết hổng tầng mặt giữa và tạo hình bằng các vạt (trán, Mustarder, Karapandzi) và ghép da dày.
Kết quả sinh thiết cho thấy đã sạch u ở đáy và bờ khuyết hổng, không cần phải cắt rộng ra nhiều hơn.
Điều rất may mắn và kỳ diệu là sau mổ, bệnh nhân hồi phục rất tốt, ăn uống được, khỏe dần, vết mổ không nhiễm trùng, hết phù nề dần, bệnh nhân tự thở bằng đường mũi. Bệnh nhân được cắt chỉ sau hơn 11 ngày và hiện đã xuất viện.
Đây là nỗ lực cứu sống bệnh nhân của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, bệnh nhân đã trút bỏ được khối u ác tính, vùng tầng mặt giữa được tái tạo phục hồi cấu trúc bằng vật liệu đơn giản hiệu quả.