Đây là kỹ thuật mổ phức tạp yêu cầu phẫu thuật viên có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong các ca mổ tim mở, nhưng đối với phẫu thuật mở lồng ngực, phẫu thuật phổi thì nó được coi là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này.
Bệnh nhân L.A (38 tuổi) tiền sử khỏe mạnh nhưng 2 tháng gần đây, chị có dấu hiệu ho, khó thở tăng dần. Khi đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, có cho dùng kháng sinh nhưng không đỡ. Sau đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Phổi Trung ương do tình trạng khó thở ngày càng tăng. Tại bệnh viện, qua kết quả chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân có khối u trung thất chèn ép vào phế khí quản gây hẹp hoàn toàn phế quản gốc trái.
Theo TS.BS Đinh Văn Lượng - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực (Bệnh viện Phổi Trung ương), khối u trung thất của nữ bệnh nhân được coi là bệnh lý bẩm sinh. Đây là một kén phế quản ở trung thất, theo thời gian, nang - kén phát triển lên và gây ra các triệu chứng điển hình như ho, khó thở…
Mặc dù đây không phải bệnh lý đặc biệt nhưng với trường hợp nữ bệnh nhân này, khối u nằm ở vị trí phức tạp về giải phẫu. Khối u của bệnh nhân nằm ở vị trí trung tâm, chèn ép bên trái, sát tâm nhĩ trái, đặc biệt, khối u được bao bọc bởi các động mạch lớn của lồng ngực như động mạch chủ, động mạch phổi và thực quản… nên để mổ được thì bắt buộc phải sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo.
Còn theo GS.TS Lê NgọcThành - Giám đốc Bệnh viện E, bệnh nhân có một khối u ở phía sau tim (tâm thất giữa) nếu mổ bình thường rất nguy hiểm. Trong quá trình mổ dẫn đến thay đổi nhịp đập của tim có thể gây ra tai biến phức tạp.
Với ca khó như thế thì sự hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo là rất cần thiết, làm thay chức năng cho tim, tim ngừng đập nhưng phổi vẫn hoạt động bình thường. Máy này đều đã được sử dụng trên cả nước, đặc biệt là các cơ sở điều trị về tim, trong các ca mổ tim mở. Đây là lần đầu áp dụng trong mổ phổi. Phương pháp này sẽ mở ra thời kỳ mới để Bệnh viện Phổi Trung ương chuẩn bị cho ghép phổi sau này.