Phát triển văn hóa đọc cho HS: Bắt đầu từ thư viện trường học

GD&TĐ - Hệ thống thư viện trường học thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên, số học sinh hình thành được thói quen đọc sách một cách thường xuyên và có mục tiêu chưa nhiều, tình trạng học sinh lười đọc sách, dành thời gian ít ỏi cho sách dẫn tới thiếu hụt tri thức là một thực tế.

Phát triển văn hóa đọc cho HS là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Ảnh: Thanh Long
Phát triển văn hóa đọc cho HS là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Ảnh: Thanh Long

Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục một số địa phương đã có sự đầu tư thích đáng vào thư viện trường học để phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Nỗi niềm thư viện trường học

Thực tế từ các nhà trường cho thấy, hiện nay ở nhiều trường phổ thông đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cha mẹ học sinh (HS), sự nỗ lực của giáo viên cho hoạt động thư viện nhà trường. Điều đó đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự thay đổi tích cực trong hoạt động thư viện.

Điều đó được nhìn thấy rõ ràng qua cơ sở vật chất thư viện trường học được quan tâm đầu tư. Sách, báo tạp chí bổ sung cho thư viện được gia tăng cả về số và chất lượng. Nhiều trường đã bố trí đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm làm công tác thư viện. Phong trào đọc sách của giáo viên, HS sôi nổi. Nhiều trường đã phát triển thêm được “thư viện lớp học”, “tủ sách phụ huynh” ngay tại lớp để phục vụ nhu cầu đọc của các em HS…

Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn tồn tại từ trong phát triển văn hóa đọc cho HS từ nhà trường. Theo đánh giá của ngành GD-ĐT Thái Bình thực trạng các phòng thư viện còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng đầu sách chưa nhiều, đại đa số là sách cũ, các hoạt động thu hút HS đến thư viện nhà trường chưa thường xuyên, thiếu sinh động phong phú.

Nhiều trường chưa có thư viện riêng. Diện tích một số phòng thư viện hiện có còn nhỏ hẹp, bàn ghế cũ, hỏng, mục, mọt hoặc tận dụng, sửa chữa lại nên không tiện dụng, không phù hợp với không gian và công năng sử dụng; có trường còn chưa có bàn ghế đọc sách dành riêng cho thư viện.

Mặt khác, do khó khăn về kinh phí nên việc tu bổ, nâng cấp chưa được quan tâm thường xuyên nên hệ thống giá, kệ tủ sách đều đã cũ, xuống cấp và hỏng. Truyện, sách báo, tài liệu tham khảo mặc dù đã được bổ sung nhưng danh mục còn nghèo nàn, thiếu cập nhật nên chưa thỏa mãn và hấp dẫn người đọc.

Không gian đọc chưa bắt mắt, thuận lợi, tiện nghi. Việc giới thiệu sách đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên, chưa hiệu quả; Thư viện xanh, góc đọc ngoài trời được ngành Giáo dục phát động nhiều năm nay nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu.

Có thể thấy, tới nay tỷ lệ HS đến với thư viện trong các nhà trường vẫn còn thấp, thời gián sử dụng sách, báo, tài liệu tại thư viện, tại nhà trường vẫn còn ngắn (chủ yếu ở giờ ra chơi). Nhiều trường chưa có phần mềm quản lý thư viện; chưa có đủ cán bộ phụ trách thư viện chuyên trách nên hạn chế về thời gian và chuyên môn nghiệp vụ; một số cán bộ thư viện chưa năng động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ…

Thư viện nhà trường cần được đầu tư về số lượng và chất lượng sách. Ảnh: Thanh Long
  • Thư viện nhà trường cần được đầu tư về số lượng và chất lượng sách. Ảnh: Thanh Long

Phát triển văn hóa đọc từ nhà trường

Để phát triển văn hóa đọc cho học sinh ngay từ trường học, ngành Giáo dục nhiều địa phương, nhà trường đã đầu tư nâng cấp, đổi mới thư viện trường học và ghi nhận hiệu quả từ cách làm này.

Tại Thái Bình, đề tài phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thông qua việc cải tạo và nâng cấp hệ thống thư viện trường học theo mô hình “Mở - Hiện đại - Thân thiện” cho các trường phổ thông đã được khảo sát trong phạm vi toàn tỉnh. Thấy được tính cấp thiết của đề tài, UBND tỉnh đã bố trí một nguồn kinh phí lớn để thực hiện thí điểm cho năm 2017. Với nguồn kinh phí được phân bổ, Sở GD&ĐT đã lựa chọn 16 trường TH, 16 trường THCS, 5 trường THPT làm thí điểm.

Kết quả số trường được đầu tư, nâng cấp cải tạo phòng thư viện theo hướng “Mở - Hiện đại - Thân thiện” đều có lượng độc giả đến với thư viện tăng đột biến, HS đến với thư viện bởi có không gian, điều kiện phục vụ tốt, lượng sách phong phú, đa dạng. Nhiều trường phải bố trí lịch đọc cho từng khối lớp thì mới đáp ứng được nhu cầu của HS, giáo viên và cha mẹ HS. Cũng từ hiệu quả này mà năm 2018, UBND tỉnh Thái Bình đã tiếp tục phân bổ kinh phí để đầu tư cho 18 trường TH, 16 trường THCS trong tỉnh…

Thầy Nguyễn Quốc Hùng - Trường THCS Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũng chia sẻ từ năm học 2017 - 2018 thư viện trường đã áp dụng phương pháp nâng cao hiệu quả thư viện thông qua mô hình “Tủ sách lớp học” đã và đang mang lại nhiều khởi sắc đáng kể cho hoạt động thư viện trường.

Xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và mất dần thói quen đọc sách trong HS đã và đang là thực trạng đáng báo động. Chính vì vậy, việc phát triển văn hóa đọc để làm phong phú vốn kiến thức cho HS là việc làm cần thiết và ý nghĩa. Phát triển văn hóa đọc thông qua đầu tư phát triển thư viện nhà trường được đánh giá như một cách làm hiệu quả, một hình thức giáo dục linh hoạt đổi mới và có thể nhân rộng trong các nhà trường hiện nay.

Với cách phát triển văn hóa đọc trong nhà trường như vậy, thì nhân viên thư viện (cầu nối giữa kho sách và bạn đọc) phải thực hiện các giải pháp kích thích thị hiếu đọc sách, xây dựng “văn hóa đọc” trở thành thói quen không thể thiếu của HS trong nếp sinh hoạt, học tập ở nhà trường. Nhân viên thư viện không những là người biết cách quản lý thư viện mà cần phải biết cách giao tiếp, giới thiệu sách, “dẫn dụ” HS đến với sách, khơi gợi ở các em niềm say mê đọc sách…

Nhà trường phải xây dựng kế hoạch phối hợp, sáng tạo các hình thức hoạt động để phát huy vai trò nhiệm vụ của thư viện, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS hình thành thói quen đọc, nghiên cứu sách báo với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ