Vitamin D - 'Lá chắn' phòng cúm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vitamin D có thể tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh bằng cách điều chỉnh các peptit kháng khuẩn, giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm cúm.

Hệ miễn dịch còn yếu khiến trẻ có nguy cơ dễ mắc cúm.
Hệ miễn dịch còn yếu khiến trẻ có nguy cơ dễ mắc cúm.

Đồng thời, làm giảm viêm nên có khả năng làm dịu các triệu chứng lâm sàng của cúm.

Nhóm dễ bị mắc cúm

Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm mùa ghi nhận quanh năm và có xu hướng tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm gần đây cho thấy, số trường hợp mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối. Trong đó, phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao).

Theo các chuyên gia, ai cũng có thể mắc cúm, đặc biệt là trẻ em. Nguyên nhân là do trẻ chưa biết tự bảo vệ mình khi tiếp xúc với người, môi trường xung quanh mang mầm bệnh. Ngoài ra, môi trường mầm non, trường học cũng là nơi virus cúm dễ lây lan. Bên cạnh đó, một yếu tố khác là do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 - chia sẻ, hiện nay, tỷ lệ mắc cúm A/B khá cao. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm dụng thuốc kháng virus Tamiflu còn cao và nguy hiểm hơn. Thậm chí, có những trẻ mắc cúm A đến ngày thứ 5 - 6, nhưng cha mẹ vẫn mua Tamiflu cho con uống. Song, bác sĩ Cường nhấn mạnh, hành động này mang lại nguy cơ lớn hơn lợi ích.

“Cách tốt nhất để phòng tránh là đeo khẩu trang, rửa tay nhanh và nâng cao sức đề kháng của con. Chế độ ăn, lối sống, tập luyện và tinh thần là những thứ quyết định một hệ miễn dịch mạnh khỏe. Nó như tấm lá chắn đầu tiên quyết định nguy cơ chuyển nặng của bé. Nếu có sức đề kháng tốt, con sẽ bớt ốm vặt hơn”, bác sĩ Cường giải thích.

Đặc biệt, vitamin D tan trong dầu, tích ở mô mỡ. Tuy nhiên, đa số trẻ thiếu vitamin D. Trong khi đó, vitamin D liên quan đến khả năng hấp thu canxi của cơ thể, giúp xương, răng chắc khỏe và tăng chiều cao. Thiếu vitamin D gây còi xương, chậm phát triển chiều cao ở trẻ, loãng xương ở người lớn tuổi.

“Thực ra vitamin D không đơn thuần chỉ là vitamin mà giữ vai trò như một hormone. Hầu hết, các tế bào trong cơ thể đều chứa thụ thể vitamin D (ở tim, phổi, gan, thận, ruột, xương, tuyến cận giáp, não bộ… đều có). Do đó, nó còn nhiều vai trò khác đối với sức khỏe.

Đối với hệ miễn dịch, vitamin D tăng cường miễn dịch bẩm sinh - tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các mầm bệnh xâm nhập. Đồng thời, giúp điều chỉnh hệ miễn dịch thích ứng. Từ đó, giúp cơ thể phát hiện, ghi nhớ và tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn”, bác sĩ Cường lý giải.

Chống lại “kẻ ngoại lai”

Theo chuyên gia này, vitamin D giúp các tế bào miễn dịch trở nên nhanh và khỏe hơn trong việc phát hiện, cũng như chống lại những “kẻ ngoại lai”. Thiếu vitamin D khiến “cửa ngõ” của cơ thể như vùng mũi họng và các cơ quan hô hấp dễ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Cường dẫn chứng, nhiều nghiên cứu quy mô lớn và cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, lao, hen suyễn…

Ngoài ra, người mẹ khi mang thai thiếu vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ khò khè ở trẻ sơ sinh. Trẻ thiếu vitamin D cũng có hệ miễn dịch suy yếu và dễ ốm, mắc bệnh.

“Cách đây 1 thế kỷ, dịch cúm Tây Ban Nha khiến hàng trăm triệu người chết. Sau đó, người ta đã phát hiện ra vai trò của vitamin D từ ánh nắng mặt trời giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn và ít lây nhiễm hơn.

Nghiên cứu của TS Urashima cách đây hơn chục năm đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ cho thấy, nhóm học sinh 6 - 15 tuổi được bổ sung 1.200 IU vitamin D trong mùa đông giúp giảm 42% nguy cơ mắc cúm A so với trẻ không được bổ sung”, bác sĩ Cường dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia này, một nghiên cứu khác trên nhóm trẻ 3 - 12 tháng tuổi đăng trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Nhi khoa quốc tế cho thấy, việc bổ sung vitamin D giúp làm giảm nhanh các triệu chứng, tải lượng virus cúm A và phục hồi bệnh nhanh hơn.

“Theo lý giải của các nhà khoa học, vitamin D có thể tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh bằng cách điều chỉnh các peptit kháng khuẩn giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm cúm.

Đồng thời, làm giảm viêm nên có khả năng làm dịu các triệu chứng lâm sàng của cúm. Trẻ em hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, người già hệ miễn dịch suy yếu. Đủ vitamin D sẽ giúp đáp ứng miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chỉ bổ sung vitamin D là chưa đủ. Để trẻ có hệ miễn dịch mạnh, cha mẹ cần cho con ăn chế độ dinh dưỡng đa dạng và đủ các nhóm chất thiết yếu, như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, chú trọng thêm rau xanh, trái cây. Ngoài ra, lối sống lành mạnh, yêu vận động, thể thao, ngủ sớm và đủ giấc cũng giúp trẻ khỏe mạnh hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".