Tại điểm cầu Việt Nam, hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Trong phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ về các chỉ số phát triển quốc gia và khu vực như nâng cao tuổi thọ trung bình, tỉ lệ nhập học và thu nhập bình quân.
Tuy nhiên, theo báo cáo về chỉ số vốn nhân lực của Ngân hàng Thế giới, chúng ta mới chỉ tác động phát triển được 59% tiềm năng nguồn nhân lực trong khu vực.
Thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, thị trường việc làm và những yêu cầu về kĩ năng thiết yếu.
Trên chặng đường chuyển đổi sang nền kinh tế số, việc cải tổ kĩ năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là rất cần thiết để hướng tới cạnh tranh và năng suất. Phát triển nguồn nhân lực là sự đầu tư dài hạn quan trọng nhất hướng tới viễn cảnh phát triển bền vững của khu vực vì một tương lai chung.
Thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời đặt câu hỏi: Đối mặt với những thách thức, ngành Giáo dục trong khu vực cần phải làm gì để chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hoá?
Câu trả lời đầu tiên, theo Bộ trưởng, nằm ở việc nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi quốc gia. Trong thập kỉ vừa qua, khối ASEAN nói chung đã có bước tiến đáng kể trong các chỉ số tiến bộ xã hội, đặc biệt là về giáo dục cơ bản. Chính phủ các nước thành viên cũng thể hiện quyết tâm và ủng hộ đối với hội nhập quốc tế giáo dục đại học. Vai trò của khối giáo dục sau phổ thông, bao gồm các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp, đang ngày càng được đẩy mạnh trong nâng cao năng lực tư duy, kĩ năng chuyển đổi của lực lượng lao động và hỗ trợ kết nối giữa kênh lao động và kênh giáo dục.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở tất cả các trình độ. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.
Đặc biệt, khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) được bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN thông qua năm 2014 là một nỗ lực chung của các nước thành viên tạo ra một nền tảng để so sánh, đối chiếu các văn bằng, trình độ. Khung tham chiếu này cũng sẽ hướng đến hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của học tập suốt đời ở các nước thành viên thông qua phát triển các tiếp cận mới để xác thực các kết quả học tập tích lũy được của mọi người.
“Đây sẽ là công cụ để giúp các nhà giáo dục, các chủ sử dụng lao động và các đối tác xã hội hiểu rõ hơn về hệ thống đào tạo nhân lực các nước thành viên. Ý thức được điều này các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) và tham chiếu với AQRF.
Song song với đó các cơ quan hữu quan cũng đang tích cực xây dựng báo cáo tham chiếu của Việt Nam với AQRF để sớm có thể đạt được sự công nhận tương đương với AQRF. Trong quá trình này Việt Nam đã và đang học hỏi rất nhiều từ các nước thành viên khác của ASEAN và cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiện cho các đối tác” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Hội nghị cao cấp ASEAN về phát triển Nguồn nhân lực lần này là cơ hội rất lớn để cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phát triển nguồn nhân lực của mỗi nước và cộng đồng chung.
Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng thể hiện mong muốn được lắng nghe chia sẻ và sáng kiến của các nước trong việc thực hiện “Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” mà các nhà lãnh đạo đã thông qua vào tháng 6/2020.
“Để cùng nhau thúc đẩy một cộng đồng ASEAN phồn vinh và thịnh vượng lấy con người là trung tâm, tôi xin đề xuất các phiên trao đổi và thảo luận của hội nghị cần quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong cộng đồng ASEAN.
Đây là một cơ hội để chúng ta đóng góp sáng kiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi ASEAN từ một khu vực nơi người dân tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài thành một cộng đồng thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Thực hiện được mục tiêu này cần nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là đầu tư phát triển nguồn nhân lực của khu vực” – Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Hội nghị cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.
Đây là một sự kiện đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực lao động và Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giáo dục của các nước thành viên ASEAN.