Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn Nhật Bản

GD&TĐ - Ngày 26/9, Trường ĐH Hoa Sen, Hội Tin học TPHCM (HCA), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Cục Phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản (IPA) phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản”.

Đại diện các đơn vị chia sẻ tại hội thảo
Đại diện các đơn vị chia sẻ tại hội thảo

Tham dự hội thảo có các ông: Ogawa Kenji - Phó Giám đốc Cục Phát triển CNTT Nhật Bản; Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Trung tâm đào tạo VITEC (Bộ KH&CN); Matsu Shima - Giám đốc Công ty Aureole Information Technology, Tập đoàn Mitani Sangyo; cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen và các doanh nghiệp CNTT. 

Mở đầu hội thảo, ông Matsu Shima báo cáo nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực CNTT tại doanh nghiệp. Tiếp theo đó, TS Trần Vũ Bình - Trưởng khoa Khoa học Công nghệ Trường ĐH Hoa Sen trình bày về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam. Theo một khảo sát, điểm mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam là kiến thức chuyên môn được đánh giá cao, nhưng hạn chế là có đến 72% sử dụng ngoại ngữ ở mức trung bình.

Thêm vào đó, người học CNTT không điều chỉnh theo nhu cầu thị trường. Từ đó đặt ra bài toán cho các trường đại học là: làm sao  các trường có được chương trình sát thực tế (có sự tham gia của doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình đào tạo) và làm sao có được chương trình định hướng, hướng nghiệp cho sinh viên, chuẩn bị cho bản thân kỹ năng cần thiết để tham gia ngay vào hoạt động doanh nghiệp sau khi ra trường.

Đại diện VITEC trao chứng nhận đối tác chương trình ITPEC tại Việt Nam cho ĐH Hoa Sen và ĐH Văn Lang
 Đại diện VITEC trao chứng nhận đối tác chương trình ITPEC tại Việt Nam cho ĐH Hoa Sen và ĐH Văn Lang

Trong tình hình phát triển CNTT của thế giới, nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT ở các nước châu Á, thúc đẩy việc huy động và sử dụng hiệu quả hơn các kỹ sư CNTT tại châu Á, Nhật Bản đã sáng kiến chuẩn kỹ năng chung châu Á với kỹ sư CNTT. Ông Ogawa Kenji - Phó giám đốc Cục Phát triển CNTT Nhật Bản - cho biết: Chương trình sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại châu Á là kỳ thi kiểm tra kiến thức thực tế của người làm CNTT.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Trung tâm đào tạo VITEC – Bộ KH&CN, chương trình sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam được xây dựng theo mẫu hệ thống Chuẩn kỹ năng của Nhật Bản, có các điều chỉnh để thích hợp với điều kiện của Việt Nam, và tương đương với các chuẩn quốc gia về kiến thức và kỹ năng CNTT của Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Các thí sinh đỗ Sát hạch được cấp Chứng nhận của Bộ KH&CN, tương được với Chứng nhận mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp cho các thí sinh vượt qua Sát hạch tại Nhật Bản. Thí sinh đỗ trong các kỳ Sát hạch Kỹ sư CNTT có nhiều cơ hội làm việc tại các công ty lớn, được ưu tiên xét để vào Nhật Bản học tập và làm việc.

Cùng với sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty Nhật Bản vào đời sống kinh tế của Việt Nam, cũng như sự hợp tác ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực công nghệ cao (nhất là công nghệ phần mềm), giữa hai nước, các thí sinh này cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm công việc hợp với sở trường và yêu cầu của mình. Một số công ty phần mềm đã sử dụng kỳ Sát hạch làm công cụ đánh giá để tuyển dụng, hoặc làm cơ sở để phân loại cán bộ và sắp xếp nhân sự.

Phần không kém sôi nổi của hội thảo là tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ xuất khẩu phần mềm sang Nhật Bản. Về việc công nhận các kỹ năng của sinh viên nếu vượt qua kỳ Sát hạch, TS Trần Vũ Bình cho biết trong tương lai có thể xem xét miễn một số môn học tại Trường ĐH Hoa Sen để nâng cao cơ hội việc làm.

Tại hội thảo, đại diện VITEC và Trường ĐH Hoa Sen đã ký kết hợp tác triển khai chương trình đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản. Đại diện VITEC cũng đã trao chứng nhận đối tác chương trình ITPEC tại Việt Nam cho các đối tác: ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ cần chặng đường dài để tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hạt nhân, thoát phụ thuộc uranium Nga.

Mỹ bắt đầu thoát uranium Nga

GD&TĐ - Mỹ còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung cấp uranium Nga, tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng Mỹ.