Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH đào tạo giáo viên đạt từ 180-200 nghìn người học

GD&TĐ - Chính phủ đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở GD Đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180-200 nghìn người học.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Chiều 7/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Họp báo công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Trên cơ sở phân tích thực trạng mạng lưới, đặc biệt là dữ liệu về phân bố không gian của các cơ sở Giáo dục đại học, Quy hoạch đưa ra các định hướng phát triển của mạng lưới đến năm 2030.

Về định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm toàn quốc gồm:

Thứ nhất, nâng cấp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với định hướng cơ cấu như sau:

Các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò nòng cốt, chiếm khoảng 70% quy mô đào tạo.

Trong mạng lưới, từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu.

Thứ hai, về phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; sắp xếp, thu gọn số đầu mối cơ sở giáo dục đại học công lập; sắp xếp, củng cố hoạt động của các phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học.

Sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Khuyến khích thành lập mới, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín nhất là các cơ sở giáo dục đại học chuyên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực và thế giới.

Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên, Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng, phân bố quy mô tại các vùng; dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học trong đó nêu rõ vai trò của các cơ sở Giáo dục đại học chủ chốt đào tạo giáo viên (14 cơ sở) và các cơ sở Giáo dục đại học trực thuộc UBND cấp tỉnh và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Đối với mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM, ông Nguyễn Anh Dũng trao đổi:

Thứ nhất, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học, trong đó khoảng 7% trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% trình độ tiến sĩ.

Thứ hai, tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển 5 cơ sở giáo dục đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, có chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực, trong đó ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.

Thứ ba, tiếp tục phát triển 3 trường đại học xuất sắc được thành lập theo hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và một số quốc gia khác thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với mức độ quốc tế hóa cao, trọng tâm là những ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiềm năng.

imgl9168.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng trao đổi tại buổi họp báo.

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực trọng điểm khác

Phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, tăng quy mô đào tạo từ 180.000 đến 200.000 người học đại học.

Hình thành, phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo từng lĩnh vực trọng điểm, then chốt khác theo chiến lược phát triển đất nước, chiến lược phát triển các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học ở các vùng

Hình thành và phát triển các mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo vùng, tiểu vùng, lấy các đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm làm nòng cốt, tăng cường liên kết trong mạng lưới và gắn kết với cơ sở nghiên cứu, khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương lân cận.

Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn trên cơ sở nâng cấp, phát triển và liên kết các cơ sở giáo dục đại học, khu đô thị đại học, cụm đại học tại 4 vùng đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ).

Mạng lưới giáo dục đại học số

Phát triển hệ thống giáo dục đại học số quốc gia, tạo đột phá thực hiện mục tiêu tăng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo ngành, lĩnh vực trọng điểm trên hệ thống giáo dục đại học số quốc gia.

Định hướng bố trí và sử dụng đất

Bố trí bổ sung quỹ đất để đến năm 2030 tất cả cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đáp ứng tiêu chí về diện tích đất theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học,bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy định pháp luật liên quan.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho hay, có 9 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch: Giải pháp về cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục, tuyên truyền; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch...

Quy hoạch nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương

Bộ GD&ĐT tổ chức công bố, công khai Quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch; xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện và hướng dẫn thực hiện Quy hoạch.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện Quy hoạch và rà soát điều chỉnh Quy hoạch theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, nội dung Quy hoạch bảo đảm có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất với chiến lược, quy hoạch khác có liên quan; định kỳ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm chủ trì xây dựng, triển khai các đề án sắp xếp, phát triển và các dự án đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc, phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch khác có liên quan.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch; ưu tiên bố trí quỹ đất, ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại địa phương phù hợp với định hướng phát triển theo Quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải sau 50 năm đất nước thống nhất. Ảnh: Đăng Đức

Chuyện kể bên dòng Hiền Lương

GD&TĐ - 50 năm sau ngày thống nhất, đất nước đã phát triển không ngừng, giàu mạnh và đang tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.