Phát triển kinh tế song hành với bảo đảm an sinh xã hội

Phát triển kinh tế song hành với bảo đảm an sinh xã hội

(GD&TĐ) - Ngày 30/7, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 7/2013. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội đất nước tháng 7 và 7 tháng qua của năm 2013; dự báo tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và phát triển nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm; thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề trọng tâm khác của đất nước.

Điều hành nền kinh tế đang đi đúng hướng

Ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ, thông báo một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ vừa diễn ra. Chủ trì họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết trong nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013. Một số kết quả nổi bật có thể chỉ ra như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27%. So với tháng 12/2012, CPI tháng 7/2013 tăng 2,68% và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2004 - 2011 (cùng kỳ năm 2012 là 2,22%).

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân ODA đạt khá. Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được tích cực triển khai. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt một số kết quả bước đầu. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 5 tháng đầu năm 2013 tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4%. Tốc độ tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần... Kết quả này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường…

Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là những ưu tiên của Chính phủ
Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là những ưu tiên của Chính phủ

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát

Bên cạnh các kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tế nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp, nông nghiệp. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, phục hồi chậm, nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn...

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết một trong những hướng chỉ đạo của Thủ tướng đặt ra tại phiên họp đối với việc triển khai điều hành kinh tế - xã hội đất nước những tháng cuối năm là đẩy nhanh hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu, thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn. Tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp, cải tiến phương pháp tổ chức, quản lý để nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả gắn với hình thành chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm lợi ích của nông dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo việc làm, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; rà soát bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai, bão lũ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, rà soát việc tiêm chủng vắc-xin, điều tra, sớm công bố nguyên nhân trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm chủng; đẩy mạnh thực hiện Đề án giảm tình trạng quá tải của bệnh viện. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chuẩn bị tốt cho năm học mới…

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ