Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hoá trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nỗ lực phục hồi

GD&TĐ - Ngày 15/12, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển hoạt động giao dịch phái sinh hàng hoá, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Lý luận về hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa, các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động phái sinh hàng hóa; Thực trạng thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam; Định hướng phát triển thị trường phái sinh hàng hóa tại Việt Nam; Triển vọng nghề nghiệp của sinh viên trong mảng thị trường phái sinh hàng hoá.

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện Tài chính – cho biết, với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa, hội thảo đem đến nhiều thông tin chia sẻ bổ ích, các kiến thức cần thiết cho việc đầu tư vào thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh; đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia thực tiễn. Hơn 20 bài tham luận, báo cáo đã được lựa chọn đăng trong kỉ yếu của Hội thảo.

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ phát biểu tại hội thảo
PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ phát biểu tại hội thảo

“Những vấn đề đặt ra của Hội thảo được các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia thảo luận, chia sẻ sôi nổi và sâu sắc. Từ đó phát triển khung lý luận về hoạt động thị trường hàng hóa phái sinh cũng như định hướng phát triển cho thị trường hàng hóa phái sinh tại Việt Nam trong thời gian sắp tới” - PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ nói.

Theo Giám đốc Học viện Tài chính, trong những năm gần đây, thị trường hàng hóa phái sinh ở Việt Nam là kênh đầu tư mới đầy tiềm năng, thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.

Ngày 9/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 51/2018/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NÐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Hội thảo thu hút những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa
Hội thảo thu hút những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa

Nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, mô hình giao dịch hàng hóa qua sàn mang đến cơ hội mới, cũng như tạo ra một thị trường hàng hóa phái sinh hiệu quả cho nhiều nhà đầu tư với 4 nhóm mặt hàng chính gồm: Năng lượng (Dầu thô, khí gas..); Kim loại (Quặng sắt, đồng, bạch kim…); Nông sản (Đậu tương, ngô, lúa mì…); Nguyên liệu công nghiệp (Cao su, đường, café, bông sợi…).

Các hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá, nhằm giảm thiểu được các rủi ro rớt giá của các mặt hàng.

Các doanh nghiệp thương mại có thể chủ động định giá chuẩn và an tâm sản xuất kinh doanh và cân đối cung cầu hiệu quả hơn. Thậm chí, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có cơ hội đầu tư mới thay vì các kênh truyền thống như chứng khoán, ngoại hối…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ