Phát triển giáo dục-đào tạo là vấn đề sống còn của vùng Tây Bắc

Phát triển giáo dục-đào tạo là vấn đề sống còn của vùng Tây Bắc

Buổi làm việc tập trung đánh giá bàn bạc nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể và hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phát triển GD-ĐT tại các địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo tình hình phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc tại buổi làm việc
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo tình hình phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc trong thời gian qua và kế hoạch triển khai công tác trong thời gian sắp tới. 

Theo đó, trong thời gian qua công tác phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển như: Mạng lưới trường học tiếp tục phát triển rộng khắp đến các vùng dân cư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi học ngày càng tăng của nhân dân. Quy mô giáo dục được củng cố và phát triển.

Trong đó, quy mô giáo dục mầm non tăng cả về số trẻ và tỷ lệ huy động; tiểu học và THCS có xu hướng giảm về số lượng, nhưng vẫn tăng về chỉ số huy động; quy mô giáo dục THPT đi dần vào thế ổn định. Toàn vùng đã có 10 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An và Thanh Hoá, 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên đã kiểm tra và đề nghị công nhận trong qúy II/201 0); tính đến tháng 6/2010 đã có 13/13 tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục THCS.

Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương. Đội ngũ giáo viên, giảng viên tiếp tục tăng thêm về số lượng, hầu hết đạt chuẩn đào tạo, hợp lý hơn về cơ cấu. Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong vùng được chú trọng. Hàng năm, các trường đại học khu vực Hà Nội, Thái Nguyên đã dành khoảng 800 đến 1000 chỉ tiêu đào tạo đại học theo địa chỉ cho các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó chỉ tiêu ngành y chiếm tỷ lệ cao nhất, chỉ tiêu các ngành kỹ thuật được tăng lên theo từng năm. Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, năm 2010 Bộ đã tăng số chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường dự bị đại học dân tộc Trung ương của các tỉnh phía Bắc lên 15,6% so với năm 2009.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã được tăng cường đầu tư từ các nguồn Chương trình kiên cố hoá, Chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT, các chương trình, dự án ODA do vậy số phòng học 3 ca, phòng học tranh, tre nứa lá và phòng học tạm đã giảm rõ rệt, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố của tiểu học tăng từ 53% lên 73%, THCS tăng từ 72% tên 90,8% và THPT từ 80% lên 95% (so với năm học 2004 - 2005).

Nguồn vốn đầu tư cho các đại học vùng cũng không ngừng được tăng lên nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006-2020, dự kiến đến năm 2020 vùng Tây Bắc có khoảng 10 trường ĐH, CĐ (3 trường ĐH, 7 trường CĐ), vùng Đông Bắc có 37 trường ĐH, CĐ (10 trường ĐH, 27 trường CĐ), nâng tổng số trường ĐH,CĐ lên 47 trường.

Bên cạnh đó tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường PTDTNT, bán trú. Các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng quy mô niên cấp THCS và THPT cho các trường PTDTNT; ngoài ra còn hỗ trợ xây dựng nhà ở, tổ chức đời sống của học sinh dân tộc bán trú.

Đặc biệt, để củng cố, hoàn thiện hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tập trung xây dựng các đề án để trình Chính phủ như: Đề án Phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2010-2015; Đề án Củng cố, phát triển hệ thống trường PTDT bán trú giai đoạn 2010-2015; Đề án "Phát triển giáo dục cho các dân tộc rất ít người"...

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ngoài những bước phát triển rõ rệt trên, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra ý kiến: Từ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cho giáo dục vùng Tây Bắc đã làm thay đổi mạnh quan niệm về giáo dục của đồng bào các dân tộc, bà con đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc đã quan tâm hơn đến việc học tập của con cái. Bên cạnh đó ngành GD-ĐT đã và đang triển khai có hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc trước khi các em bước vào lớp 1. Đồng thời nguồn vốn ODA cũng phát huy rất hiệu quả trong công tác đầu tư cho GD-ĐT vùng Tây Bắc...

Mặc dù đã có những cải thiện rõ rệt trong phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chỉ ra những khó khăn còn vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc như: Công tác phát triển mạng lưới trường học gặp nhiều khó khăn, nhiều xã chưa có trường mầm non độc lập; Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Điều kiện cho phát triển giáo dục và đào tạo tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; Quy mô và mạng lưới các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Khả năng đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cho các trường ĐH, CĐ và TCCN rất hạn chế...

Để đảm bảo cho các bước phát triển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiến nghị Chính phủ có cơ chế đảm bảo nguồn vốn thực hiện các đề án, chương trình về giáo dục - đào tạo của vùng Tây Bắc đã được phê duyệt. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc có cơ chế và tạo điều kiện trong chỉ đạo, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ với UBND các tỉnh trong vùng trong việc lồng ghép hiệu quả các chính sách, các chương trình dự án nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo vùng Tây Bắc.

Đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những tồn tại và khó khăn trong quá trình phát triển GD-ĐT vùng Tây Bắc, đại diện các bộ, ngành liên quan đồng tình với báo cáo mà Bộ GD-ĐT trình bày tại buổi làm việc. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tập trung đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT trên toàn vùng, đồng thời cần nghiên cứu xây dựng  chính sách riêng đầu tư cho GD-ĐT vùng Tây Bắc để từng bước đưa sự phát triển chung của cả vùng theo định hướng ổn định, bền vững... 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ rõ, là vùng có tới 43 trong tổng số 63 huyện nghèo của cả nước, nguồn nhân lực là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương vùng Tây Bắc.  Yêu cầu bức thiết đặt ra đối với Tây Bắc là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lành nghề, được đào tạo bài bản. Do đó, phát triển giáo dục-đào tạo là vấn đề sống còn của vùng.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành chức năng và các địa phương trong vùng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo của vùng, phải đưa sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo đi trước một bước, đảm bảo từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ GD-ĐT
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ GD-ĐT

Để thực hiện được mục tiêu này, cần quy hoạch mạng lưới phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú một cách hợp lý, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở có chất lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục người dân tộc thiểu số. Chú ý lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở giáo viên…  Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp xây dựng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã có trong vùng trở thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Cần tăng cường hơn nữa đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất cho giáo dục, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu từ có trọng điểm vào sự phát triển GD-ĐT của vùng Tây Bắc...

Xuân Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.