I.Giới thiệu:
(GD&TĐ) - Trước hết, chúng ta cần hiểu khái niệm du lịch xanh là gì. Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong những năm qua, du lịch xanh đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ ngơi. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hoá cộng đồng, sự phát triển du lịch xanh đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho đất nước cũng như cộng đồng người dân địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa – nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch xanh còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khoẻ cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hoá lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch xanh còn được xem như một giải pháp rất có hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch.
II. Tiềm năng phát triển du lịch xanh ở Việt Nam:
Nằm ở vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, lãnh thổ Việt Nam trải dài trên 15 độ vĩ tuyến với ¾ là địa hình đồi núi và cao nguyên, với hơn 3.200 km đường bờ biển, hàng ngàn hòn đảo... Trên lãnh thổ đó là nơi sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và đấu tranh giữ nước với nhiều truyền thống có những nét đặc trưng riêng, nhiều di tích văn hoá lịch sử nên Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển du lịch xanh cũng như du lịch sinh thái.
Việt Nam có sự đa dạng sinh học khá cao, cũng như các hệ sinh thái đặc trưng. Về thành phần các loài động thực vật, tại Việt Nam có tới 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ, trong đó có nhiều loài cổ xưa và hiếm có, ví dụ như Tuế phát triển từ Đại Trung Sinh, các loài có giá trị kinh tế gồm hơn 1000 loài cây thuốc, 100 loài quả rừng ăn được... Về động vật có tới 11.217 loài và phân loài, trong đó có 1.009 loài và phân loài chim, 265 loài thú, 349 loài bò sát lưỡng cư, 2000 loài cá biển, hơn 500 loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài tôm, cua, nhuyễn thể và thuỷ sinh vật khác. Về các loài thú, Việt Nam có 10 loài đặc trưng nhiệt đới như: Cheo, Đồi, Chồn bay, Cầy mực, Culi, Vượn, Tê tê, Voi, Heo vòi, Tê giác và đặc biệt trong thế kỉ 20 có 5 loài thú lớn mới được phát hiện thì đều ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ tính đa dạng sinh học của Việt Nam còn khá cao và có thể còn có nhiều loài sinh vật mới có mặt tại Việt Nam.
Cùng với các loài động thực vật tự nhiên, Việt Nam còn là một trung tâm của cây trồng nhân tạo. Trên thế giới có 8 trung tâm cây trồng thì 3 trung tâm tập trung ở Đông Nam Á (Nam Trung Hoa – Hymalaya; Ấn Độ - Miến Điện; Đông Dương – Indonexia) với khoảng 270 loài cây nông nghiệp, riêng ở Việt nam đã có hơn 200 loài cây trồng, trong đó có tới 90% cây trồng thuộc Trung tâm Nam Trung Hoa, 70% cây trồng thuộc trung tâm Ấn, Miến. Đây chính là là tiền đề cho tổ chức du lịch xanh phát triển.
Về hệ sinh thái tự nhiên, Việt Nam có một số hệ sinh thái đặc trưng gồm:
Hệ sinh thái san hô ở Việt Nam khá giầu về thành phần loài, tương đương với các khu vực giầu san hô khác ở Tây Thái Bình Dương, trong đó ở khu vực ven bờ phía Bắc có 95 loài, ở khu vực ven bờ phía Nam có 255 loài. Trong các rạn san hô quần tụ nhiều loài sinh vật khác nhau, nhiều loài có mầu sắc sặc sỡ và có giá trị kinh tế cao.
Hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng có những đặc thù riêng, trong đó nổi bật là các hệ sinh thái ngập mặn ven biển trải dài dọc bờ biển từ Móng Cái đến Mũi Nai. Tiêu biểu nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long phân bổ một diện tích lớn các hệ sinh thái đất ngập nước, chủ yếu là các hệ sinh thái ngập mặn rừng ngập mặn châu thổ sông Cửu Long nuôi dưỡng một số lớn diệc, cò, cò lớn, cò quăm.
Hệ sinh thái vùng cát ven biển của Việt Nam đa dạng với 60 vạn ha, tập trung chủ yếu ở ven biển miền Trung (30% tổng diện tích). Các nhóm hệ sinh thái cát hình thành trên các loại cát khác nhau; hệ sinh thái vùng cồn cát trắng vàng; hệ sinh thái vùng đất cát biển; hệ sinh thái vùng đất cát đỏ...
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới với nét đặc trưng là hệ thống các khu rừng đặc dụng là nơi lưu trữ các nguồn gen quý của nước ta phân bổ ở khắp từ Nam ra Bắc, từ đất liền tới các hải đảo. Tính đến năm 2004, cả nước đã có 107 khu rừng đặc dụng trong đó có 28 vườn quốc gia, 43 khu bảo tồn thiên nhiên và 34 khu rừng văn hoá - lịch sử môi trường với tổng diện tích là 2.092,66 ha.
Các tiềm năng nhân văn cho phát triển du lịch xanh ở Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú. Dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với nền văn hoá đa dạng bản sắc của 54 dân tộc anh em, trong đó có nhiều tài nguyên đặc biệt có giá trị. Chỉ tính riêng về các di tích, trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng. Tiêu biểu nhất là cố đô Huế; thành phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Ngoài các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hoà quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.
Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch xanh còn hạn chế. Nhiều địa phương, nhiều công ty lữ hành đã cố gắng xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch mang sắc thái của du lịch xanh đã được xây dựng, song quy mô và hình thức còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên ít có khả năng thu hút khách. Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch xanh còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Tuy là loại hình du lịch khá mới mẻ ở nước ta, nhưng trước nhu cầu của thị trường và khả năng đáp ứng của các tiềm năng du lịch xanh của Việt Nam, tại một số nơi hoạt động du lịch xanh cũng đã hình thành dưới các hình thức khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên khác nhau như du lịch tham quan, nghiên cứu ở một số khu vườn quốc gia (Cát Bà, Cúc Phương, Ba Bể, Nam Cát Tiên, Tam Nông, U Minh...); du lịch thám hiểm, nghiên cứu vùng núi cao như Phanxipang; du lịch tham quan miệt vườn, sông nước đồng bằng sông Cửu long; du lịch lặn biển (Hạ long – Cát Bà, Nha Trang), thám hiểm hang động (phong Nha)... Thị trường khách của loại hình du lịch sinh thái ở Việt Nam còn rất hạn chế, phần lớn khách du lịch quốc tế đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc, còn khách nội địa là sinh viên, học sinh và cán bộ nghiên cứu. Trong số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hàng năm chỉ có khoảng 5 – 8% tham gia vào các tour du lịch sinh thái tự nhiên và khoảng 40 – 45% tham gia vào các tour du lịch tham quan – sinh thái nhân văn. Còn đối với thị trường khách du lịch nội địa tỷ lệ này thấp hơn.
Nhận thức rõ vai trò của du lịch xanh đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và bảo vệ tài nguyên, môi trường đảm bảo cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, vào tháng 9 năm 1999, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và các uỷ ban kinh tế - xã hội Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội nghị quốc tế về xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như đẩy mạnh hợp tác phát triển hoạt động du lịch sinh thái của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hoá và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”. Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến năm 2020 sẽ đạt từ 11,5% đến 12%/năm. Theo đà tăng trưởng đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón từ 10 đến 10,5 triệu lượt du khách quốc tế và từ 47 đến 48 triệu lượt du khách trong nước với tổng thu nhập từ 18 đến 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 đến 7% GDP và tạo ra hơn ba triệu việc làm với 870 ngàn lao động trực tiếp. Đến năm 2030, tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam sẽ tăng gấp hai lần năm 2020.
III. Giải pháp phát triển du lịch xanh Việt Nam trong những năm tới.
Một là, quan tâm tới đầu tư sản phẩm. Phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu kể từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hệ thống sản phẩm chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị tăng cao sẽ được xây dựng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hoá địa phương. Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá và sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch của quốc gia, của địa phương và các đô thị du lịch. Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo bẩy vùng du lịch: Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Nam trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai là, phát triển hạ tầng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực. Việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tâng giao thông công cộng, quy hoạch không gian công cộng, rồi thông tin, truyền thông, năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan phải đảm bảo được tính đồng bộ, đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách, đặc biệt là hệ thống các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch... Công tác đào tạo và phát triển nhân lực được tăng cường về chất lượng và số lượng, bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch và hội nhập quốc tế. Mạng lưới cơ sở đào tạo cần được quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại, đạt chuẩn hoá về chất lượng giáo viên và chuẩn hoá về giáo trình khung đào tạo. Việc tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch cần phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước. Cần quan tâm nhiều tới nhân lực quản lý và lao động có tay nghề cao, thực hiện đa dạng hoá phương thức đào tạo, khuyến khích đào tạo tại chỗ và tự đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.
Ba là, phát triển thị trường, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch. Theo đó, cần tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, trong đó chú ý các thị trường khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tây Âu, Đông Âu. Mở rộng thu hút khách đến từ các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ. Phát triển mạnh thị trường trong nước, quan tâm phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm. Đẩy mạnh xúc tiến, giới thiệu theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm, gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, đầu tư và đối ngoại, văn hoá. Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, thương hiệu doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch, nhất là những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực này cần đặc biệt đề cao yếu tố phối hợp giữa các ngành, các cấp và các địa phương để đảm bảo tính thống nhất.
Bốn là, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý. Nhà nước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về du lịch; nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Du lịch nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển. Ngành du lịch cần đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành, kiểm tra, giám sát, duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành du lịch.Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp du lịch Nhà nước theo hướng cổ phần hoá toàn bộ vốn Nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực và thương hiệu mạnh, phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ gia đình gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư và liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch. Thực hiện chính sách phát triển bền vững với chính sách ưu đãi phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm; khuyến khích xã hội hoá, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước vào các lĩnh vực liên quan của du lịch. Mở rộng hợp tác quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tận dụng sự hỗ trợ quốc tế, tăng cường hội nhập và nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
IV. Kết luận:
Việt Nam là một đất nước có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch xanh với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, con người hoà đồng thân thiện, là điểm đến của nhiều du khách. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết và đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
TS. Trần Văn Hùng