Đổi mới quản lý và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học
Nhà giáo Lê Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Chương trình nhà trường đã được trường xây dựng và thực hiện mạnh mẽ trong 4 năm học vừa qua. Khi mới bắt tay vào phát triển Chương trình, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn; Tuy nhiên với quyết tâm phải đổi mới theo hướng này, Chi ủy, Ban Giám hiệu (BGH) cùng tập thể sư phạm đã phân tích rõ thực trạng đội ngũ, cơ sở vật chất, nhu cầu thực tế của địa phương, đặc điểm của học sinh nhà trường. Trong đó đội ngũ là yếu tố quan trọng nhất.
Đến nay, nhờ thực hiện kế hoạch Phát triển Chương trình nhà trường, Trường THCS Cổ Nhuế 2 đã đổi mới quản lý, phương pháp dạy học dần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trong công tác quản lý, BGH đã thay đổi quan điểm chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn. Tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; Trong đó giáo viên chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cán bộ quản lý lấy kết quả tiến bộ của học sinh và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường làm thước đo đánh giá.
Giáo viên đã đổi mới mục tiêu giảng dạy, xác định bài giảng hướng đến không chỉ là kiến thức mà còn quan tâm đến kỹ năng, thái độ của học sinh. Khi thiết kế bài giảng, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tìm hiểu kiến thức, thoát và bỏ được lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều. Đồng thời tăng cường hoạt động nhóm, hoạt động trải nghiệm, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh tìm hiểu kiến thức. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng được đổi mới, kịp thời theo sát quá trình tiến bộ của học sinh.
Xây dựng các chủ đề liên môn, tổ chức hoạt động trải nghiệm
Theo cô Loan, Trường THCS Cổ Nhuế 2 đã xây dựng được nhiều chủ đề liên môn liên quan đến kiến thức lịch sử, địa lý, văn học của Thủ đô. Như trong chương trình môn Ngữ văn lớp 6 - Bài “Thánh Gióng”, nhóm Ngữ văn 6 đã xây dựng chủ đề tích hợp 3 bộ môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Nội dung tích hợp trong chủ đề là: Môn Ngữ văn: Hiểu được văn bản Thánh Gióng; Môn Địa lý: Tìm hiểu làng Phù Đổng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nơi phát tích Thánh Gióng; Môn Lịch sử: Thời kỳ Hùng Vương với các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước (chống giặc phương Bắc).
Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm, qua triển khai “Chương trình nhà trường” ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận, đã có hơn 15.000 tiết học được nghiên cứu và hơn 4.000 chủ đề được xây dựng và giảng dạy trong các nhà trường. Các hoạt động giáo dục được định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành; Học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tăng cường hoạt động ngoài trời, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với thiên nhiên...
Cô Lê Thị Loan chia sẻ: Xuất phát từ yêu cầu đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, Trường THCS Cổ Nhuế 2 đã tập trung vào hoạt động của CLB các môn thể thao: Cầu lông, bóng rổ, bóng đá, cờ vua, bơi lội, CLB mỹ thuật, âm nhạc, CLB tiếng Anh; Tổ chức các trò chơi dân gian, các diễn đàn sân khấu, tương tác tham quan dã ngoại, hoạt động giao lưu, nhân đạo.
Điểm nhấn trong năm học là hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” của Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm với mô hình thi đua “4 ngày 5 tốt”; Trong ngày tiếng Anh, học sinh Trường THCS Cổ Nhuế 2 được thực hành “Nói nhóm đôi tiếng Anh”, hùng biện tiếng Anh, đóng kịch tiếng Anh, hát bài hát tiếng Anh, sân khấu hóa ngoài trời một hoạt cảnh bằng tiếng Anh, giao lưu trực tuyến bằng tiếng Anh với học sinh nước ngoài.