Phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Trong giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.

Ngày 29/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 5596 của Bộ GD&ĐT và góp ý Dự thảo Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của 18 Sở GD&ĐT. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.

5 năm thực hiện mục tiêu

Ngày 24/11/2016, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 5596/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 gắn với Mục tiêu phát triển bền vững 2030. Trong đó gồm 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ với các DTTS; Tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục với các DTTS.

Trong giai đoạn 2015-2020, việc thực hiện Quyết định 5596 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đầu tiên, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ đối với đồng bào DTTS đã vượt chỉ tiêu đề ra năm 2020.

Theo đó, năm 2020, tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi ở bậc TH đạt 98,57%. Tỷ lệ trẻ DTTS hoàn thành chương trình TH đạt 99,4%. Tỷ lệ người DTTS 15-60 tuổi biết chữ đạt 93,9%. Tính đến năm 2020, 50/51 các tỉnh vùng DTTS, miền núi đạt và vượt chỉ tiêu học sinh đi học đúng độ tuổi, 51/51 tỉnh vượt chỉ tiêu hoàn thành chương trình tiểu học.

Mục tiêu tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ cũng đạt và vượt chỉ tiêu năm 2020. Tuy nhiên, một số vùng DTTS còn tồn tại nhiều hủ tục như tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Do điều kiện kinh tế - xã hội ở các dân tộc này còn khó khăn, phụ nữ thường trở thành lao động chính trong gia đình từ khi bước vào lứa tuổi THCS. Từ đó, các em ít cơ hội được học tập lên cấp cao hơn.

Nhìn chung, kế hoạch hành động của ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, ở vùng DTTS, miền núi, điều kiện sống của người dân còn khó khăn. Việc chăm sóc giáo dục con em, quan tâm đầu tư việc học tập còn bất cập, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ, trang thiết bị còn chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học nên việc huy động học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đối với DTTS còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, coi đây là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Chất lượng dạy học cấp tiểu học ở một số tỉnh chưa cao, các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến.

Kiến nghị trong thời gian tới

Tại hội thảo, một số Sở GD&ĐT kiến nghị cần có các chế độ, chính sách ưu tiên đối với cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác và học sinh DTTS học tập tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; Tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học ở khu vực miền núi, DTTS sớm đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường thuộc vùng DTTS đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý và giáo viên các vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận công tác tham mưu, phối hợp thực hiện của Sở GD&ĐT các địa phương. Thứ trưởng cho rằng kiến nghị xác đáng, cụ thể của các Sở sẽ đóng góp cho Kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, từ kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục cần tiếp tục tập trung vào các mục tiêu đặt ra, thực hiện hiệu quả các biện pháp phát triển bền vững cho vùng DTTS, miền núi.

Để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào DTTS lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý, tập trung huy động nguồn lực đầu tư.

Các địa phương tăng cường giải pháp huy động trẻ em, học sinh DTTS đi học và học hết cấp học; huy động người lớn đi học xoá mù chữ. Thực hiện chính sách và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS, miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.