Phật pháp dạy cách tẩy vết nhơ lòng

Sống trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch, ấy là đức hỷ xả.

Phật pháp dạy cách tẩy vết nhơ lòng
Phat phap day cach tay vet nho long - Anh 1

Đức Di lặc với 5 đứa trẻ tượng trưng cho “ngũ tặc”

Hỉ xả là vui vẻ tha thứ những lỗi lầm mà người đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ tất cả danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của ta, nếu thấy cần và lợi ích cho chúng sinh. Có tha thứ, lòng ta mới thênh thang, tim ta mới hòa nhịp cùng tim của mọi người; có xả bỏ, tâm ta mới thanh thoát và an tịnh.

Đừng lấy oán trả oán

Cuộc đời đen tối, sầu khổ nhất là cuộc đời của kẻ hay cau có, oán thù, trên gương mặt luôn luôn hiện đầy những nét nhăn gay gắt. Kẻ còn ôm nặng khối hận thù thì lửa hận thù thiêu đốt cả tim gan và buồng phổi của họ.

Sống trên đời này, nếu ta gặp điều trái ý liền mang lòng thù hận, thì chắc đời ta sẽ thấy toàn thù hận và oán hờn. Đức Phật dạy: “Lấy oán trả oán, oán mãi chất chồng; lấy ân trả oán, oán liền tiêu diệt.”

Người trong lòng mãi ôm ấp hận thù thì lúc nào cũng tưởng chừng chung quanh đều là kẻ thù muốn hại mình, vì vậy họ sống những ngày đầy lo sợ. Chỉ có ai biết lấy ân trả oán mới mong dứt sạch được hận thù.

Còn gì vui sướng hơn, kẻ có tâm lượng bao dung sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người. Khi nào trong lòng ta không còn một mảy may thắc mắc, không còn một chút bợn hận thù, đó là lúc ta hoàn toàn an lạc.

Người mà lòng được thanh thoát nhẹ nhàng thì gương mặt vui tươi, lời nói thanh nhã, cử chỉ thư thái, toàn thân hiện ra một phong độ khả ái khả kính. Con người ấy có mấy khi phải buồn khổ, vì thế nên họ trẻ mãi, sống dai.

Sách có câu: “Thù ghét là sâu mọt đục khoét người ta, làm cho người ta chóng xấu, chóng già, chóng chết; yêu thương và tha thứ là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp, trẻ dai và sống mãi.”

Tỉnh thức trước cạm bẫy

Danh vọng, tài sắc... ở đời là những cạm bẫy chực hại người, nhưng lại có công năng hấp dẫn quyến rũ khiến người phải mê mẩn say sưa để rồi chịu khổ, cũng như miếng mồi vì có mùi thơm hấp dẫn, con lươn phải lao đầu vào trúm.

Phần đông người đời ngỡ rằng đuổi bắt tài sắc, danh vọng... là hạnh phúc, chứ đâu ngờ càng đuổi bắt nó càng chuốc khổ về mình. Dứt bỏ những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay... mà lòng không ái nhiễm, ấy là bực siêu nhân.

Ngài Phù Dung Thiền sư nói: “... ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết...” Nghĩa là: “... nghe tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh vọng như bụi rơi vào mắt...” Con người được như vậy mới hẳn là tự tại an vui.

Chúng ta nhìn qua tượng đức Di-lặc sẽ thấy năm đứa nhỏ móc tai, chọc mắt... Ngài, mà trên gương mặt Ngài vẫn nở một nụ cười tự tại. Hình dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỉ xả ngũ trần toàn vẹn.

Đức Di-lặc không cười sao đặng, vì ngoại cảnh còn gì quyến rũ được Ngài, tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn luôn luôn hoan hỉ.

Tài, sắc, danh vọng... là vật bên ngoài, xả bỏ không lấy gì làm khó, đến như thân mạng là cái mà người phàm phu tuyệt đối mến yêu, muốn xả bỏ nó thì sự khó khăn lại gấp bội phần. Người đời vì trìu mến thân nên đã gây biết bao tội lỗi, ngược lại, “Bồ-tát vì chúng sinh bỏ thân mạng dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm.”

Tóm lại, hỉ xả những oán thù cho được nhẹ lòng thanh thoát, đó là cái vui của phàm nhân. Hỉ xả những tài, sắc, danh vọng... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc giải thoát. Hỉ xả thân mạng để cứu độ chúng sinh, làm cho tất cả chúng sinh được an lạc, đó là cái vui của bậc Bồ-tát.

Người Phật tử quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức hỉ xả theo thứ tự của nó, hỉ xả một phần là được vui một bậc. Đến khi nào hỉ xả toàn vẹn rồi là được cái vui cứu kính. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính ta tự tạo lấy.

Phat phap day cach tay vet nho long - Anh 2

Có từ bi thì có hỉ xả, có lòng thương thì mới tha thứ được

Buông bỏ muộn phiền

Muốn vui trọn vẹn thì chúng ta phải buông hết những buồn phiền trong lòng. Lúc nào chúng ta sống ngây thơ như đứa bé chứ đừng sống với nhiều nếp nhăn, mặt ủ rũ, mắt chớp lia lịa, không tỉnh táo sáng suốt.

Sống như vậy, chúng ta sẽ chết lần chết mòn do lửa phiền não thiêu đốt. Con người quí ở cuộc sống hạnh phúc, muốn sống hạnh phúc phải có thân khỏe tâm an, muốn thân khỏe tâm an phải tu theo hạnh hỉ xả của đức Di-lặc.

Tôi lặp lại “hỉ” là vui, “xả” là buông. Buông mà vui chớ không phải buông mà bị bắt buộc. Thí dụ mình ghét người nào đó, nhưng vì một người thân của mình thương họ, bảo ráng vui với họ, vì tình người thân mà mình vui, cái vui đó là vui gượng gạo, chớ không phải thật sự vui.

Khi nào trong lòng không có buồn phiền, tức tối bực bội gì hết, chỉ một niềm vui an ổn, gặp ai mình cũng vui, đó mới thật là vui. Muốn được vậy, chúng ta phải hỷ để mà xả, tức là vui để mà buông.

Chúng ta sống trên thế gian này, cũng như đám trẻ con đông năm bảy chục đứa chạy loạn. Chạy một hồi, thế nào cũng va đầu, chạm trán với nhau, đứa u đầu, đứa chảy máu, trật chân nhưng rồi thôi, bỏ qua vui vẻ với nhau.

Nếu cố chấp, khi đụng nhau chúng giận cả năm, cả đời không bao giờ vui được. Một người đụng, ta giận và ôm ấp mối giận đó, hai người cho tới trăm người, ngàn người đụng, thì giận chừng bao nhiêu? Thế gian này chúng ta sống với mấy chục triệu người, chớ đâu phải với một người, nếu cứ cố chấp hờn giận thì khỏi buồn phiền biết bao to?

Trong mấy chục triệu người, chắc gì được một triệu người thương mình, cao lắm chỉ vài trăm người thôi. Còn người những người khác, họ đối không phải với mình một vài điều, ta cứ ôm ấp thì chắc rằng không bao giờ vui được.

Cả một đời từ thuở bé cho tới già năm, sáu mươi tuổi, mỗi năm ít nhất cũng đụng nhau vài chục lần. Con số đó cộng lại thì chừng bao nhiêu lần giận hờn? Mỗi lần giận hờn đều giữ như vậy thế thì khi nhắm mắt sẽ ra sao?

Tức là thù giận sẽ dẫn mình đi, trở lại gặp thù giận nữa. Đời này hận thù, đời sau hận thù, thù hận tiếp nối, thì cuộc đời chỉ toàn là khổ đau với khổ đau. Cho nên muốn được an vui chúng ta phải tập hỉ xả, những gì qua rồi tha thứ cho nhau, sống vui vẻ.

Học cách tha thứ

Bảo tha thứ thì dễ quá, nhưng làm sao tha thứ đây? Cứ nghĩ người đó hơn mình, người đó ăn hiếp mình, khinh mình v.v... thì không thể nào tha thứ được. Muốn tha thứ được, phải có phương pháp, có đường lối, chớ không thể nói suông.

Trong nhà Phật dạy rằng, muốn hỉ xả phải có từ bi, có thương thì mới có tha thứ. Người đó làm khổ mình mà mình không giận tại vì mình thương họ. Khi thương chuyện lớn cũng biến thành nhỏ, khi ghét chuyện nhỏ cũng biến thành lớn.

Do đó muốn hỉ xả phải biết thương người. Có từ bi thì có hỉ xả, có lòng thương thì mới tha thứ được. Như người dưng kẻ lạ làm khổ mình một chút, mình giận cả đời, còn con ruột làm khổ, mình giận chừng bao lâu?

Chỉ một lát thôi. Rõ ràng mình dễ tha thứ vì thương nó, nếu không thương thì không bao giờ tha thứ cho nó được. Chúng ta không có lòng thương mà nói tha thứ thì không phải tha thứ chân thật.

Làm sao có lòng thương? Nói thương suông được không? Thường chúng ta nói thương tất cả, khi tất cả không chửi ta, chớ họ chửi là hết thương họ. Làm sao người ta chửi mà mình vẫn thương họ được, cái đó mới là khó.

Muốn có lòng thương tất cả, tức là từ bi thì phải có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ chúng ta mới có lòng thương rộng rãi, mới hỉ xả cho nhau được. Tóm lại đầu mối là trí tuệ, kế đó là từ bi, sau cùng là hỉ xả. Hỉ xả là kết quả của trí tuệ và từ bi...

Theo Pháp Luật VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ