Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đây là lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu Bỉ đã tạo ra cuộc cách mạng y học trong việc chống gãy xương, dựa trên kỹ thuật tái tạo một cấu trúc xương ba chiều từ tế bào gốc mỡ của bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các tế bào mỡ hơn là tủy xương do việc lấy mẫu ở tủy dễ gây tràn dịch so với việc lấy các tế bào mỡ. Theo các nhà khoa học, chất béo có chứa tế bào gốc nhiều hơn 500 lần/gr so với mô tủy.
Ngoài ra, TS Denis Dufrane - Điều phối viên Trung tâm Mô và Tế bào của ULB, cho biết tế bào mỡ cũng sinh sôi nhanh hơn, phân biệt tốt hơn và hiệu quả hơn so với tế bào tủy xương.
Theo đó, các tế bào gốc được nuôi cấy và nhân trong ba tháng trước khi được tái cấy vào phần xương mà bệnh nhân còn thiếu.
Kỹ thuật trên tạo niềm hy vọng đặc biệt cho bệnh nhân bị mắc các chứng bệnh về xương mà không thể chữa trị được, đặc biệt đối với trẻ em bị mắc bệnh ung thư xương.
Các nhà nghiên cứu đã dùng biện pháp này để điều trị cho 11 bệnh nhân mắc bệnh loãng xương tự phát và thoát vị đĩa đệm.
Sau thời gian vài tháng, xương đều phát triển trong cơ thể các bệnh nhân. Trong giai đoạn lâm sàng, kỹ thuật này sẽ được áp dụng cho khoảng 200 - 300 bệnh nhân.