"Phát lộ" hàng loạt sai phạm đất đai tại Kon Tum

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao đất không qua đấu giá, sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp… tại tỉnh Kon Tum.

Căn nhà 4 mặt tiền của vợ nguyên Bí thư Thành ủy Kon Tum.
Căn nhà 4 mặt tiền của vợ nguyên Bí thư Thành ủy Kon Tum.

Cấp đất không qua đấu giá cho cán bộ

Ngày 8/3, liên quan đến vấn đề Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về một số vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư dự án, công trình… trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang đợi kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến. Sau khi Thủ tướng có kết luận cuối cùng thì địa phương sẽ kiên quyết xử lý, ai sai ở đâu thì xử lý đến đó”, ông Tuấn nói.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn năm 2016 – 2019, trên địa bàn 7/10 huyện, thành phố đã giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân không qua đấu giá là 972 trường hợp, với tổng diện tích 55,95 ha. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện 4 huyện, thành phố, gồm: TP Kon Tum, huyện Đắk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy để xảy ra vi phạm.

Theo đó, tại TP Kon Tum xảy ra tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh, phân lô theo hiện trạng khiến các lô không đồng đều. Bên cạnh đó, giao đất cho 43 trường hợp tại Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla không thuộc đối tượng tái định cư, gây thất thoát ngân sách tối thiểu là hơn 3,5 tỷ đồng.

Tuy việc giao đất không thông qua đấu giá cho các trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư là sai, nhưng những trường hợp này thuộc gia đình có đất bị giải phóng mặt bằng ở địa bàn vùng kinh tế khó khăn.

Do đó, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị thu thêm tiền có nguy cơ thất thu, tuy nhiên, phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Còn tại huyện Đăk Hà, có 85 trường hợp giao đất không qua đấu giá. Trong đó, có một số công chức thuộc huyện được giao diện tích lớn. Như trường hợp của ông Nguyễn Thanh Dương – nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy được giao 651 m2, ông Phan Văn Cường – nguyên Phó ban Kinh tế HĐND huyện, nay là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch được giao 180 m2. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định, có nhiều trường hợp được giao đất nhưng không sử dụng hoặc chuyển nhượng thu chênh lệch.

Tại huyện Ngọc Hồi có 319 trường hợp được UBND huyện giao đất không qua đấu giá với tổng diện tích hơn 7 ha (xã Đăk Kan). Riêng huyện Kon Rẫy, UBND huyện đã quyết định giao đất trồng cây hàng năm không thông qua đấu giá cho 2 hộ gia đình.

Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc cấp sổ đỏ này không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, yêu cầu huỷ quyết định giao đất và thu hồi lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc bà Nguyễn Thị Ánh (vợ ông Lê Đình Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Kon Tum) được cấp thửa đất có diện tích 3.739,9 m2, liên quan đến việc thu hồi để phát triển quỹ đất tại dự án làm đường quy hoạch phường Ngô Mây (TP Kon Tum).

Mặc dù với chủ trương xây dựng tuyến đường theo quy hoạch phường Ngô Mây để tạo quỹ đất đấu giá nhưng UBND TP Kon Tum không thu hồi lô đất của bà Ánh. Thực tế bà Ánh được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc đầu tư tuyến đường (số 2 và số 3) hình thành nên thửa đất có 2 mặt tiền.

Đến năm 2011, UBND TP Kon Tum phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đường phường Ngô Mây, trong đó vị trí đường số 11, 12 sai vị trí so với đồ án Quy hoạch xây dựng khu vực của UBND tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, UBND TP Kon Tum vẫn ban hành các quyết định thu hồi diện tích 280,5 m2 của bà Nguyễn Thị Ánh để làm đường giao thông, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt.

Không những thế, khi tính tiền sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở, theo quy định, tổng số tiền đất phải nộp là 159 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan thuế tính tiền sử dụng cho bà Ánh với số tiền 35 triệu đồng là sai. Do đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà Ánh nộp bổ sung 124 triệu đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trên 90% hồ sơ cấp phép xây dựng trên địa bàn TP Kon Tum không có biên bản kiểm tra hiện trạng và bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn với công trình nhà ở liền kề.

Trong giai đoạn từ 2016 - 2019, TP Kon Tum đã xử lý vi phạm về trật tự xây dựng 116 trường hợp. Trong đó có 91 trường hợp không chấp hành, chấp hành một phần với số tiền chưa nộp do vi phạm là 827 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do UBND các phường buông lỏng quản lý, không kiểm tra thường xuyên…

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định tại TP Kon Tum có vi phạm trong sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ xác định vào ngày 14/12/2018, Thành ủy TP Kon Tum đã có văn bản về chủ trương và Chủ tịch UBND thành phố ban hành phương án 12 để hợp thức hoá cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp của 721 trường hợp với diện tích 87.661,5 m2 là sai.

Thanh tra Chính phủ cho rằng để xảy ra vụ việc này thể hiện sự buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng. Theo Thanh tra, đến thời điểm thanh tra có 22/721 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất và 113/721 thực hiện việc cấp GCN QSDĐ lần đầu. Chính vì vậy, phương án 12 không đạt mục đích đề ra, cần phải huỷ bỏ và xử lý hành vi xây dựng không phép.

Thanh tra Chính phủ xác định, để xảy ra vi phạm, thiếu sót, tồn tại về công tác quản lý, sử dụng đất đai đã nêu ở trên thì trách nhiệm chính thuộc về Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan… cùng các Sở, ban ngành liên quan…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.