Một nhóm nhà nghiên cứu - do nhà thiên văn học Scott Sheppard thuộc Viện Khoa học Carnegie ở Washington (Mỹ) đứng đầu - đã quan sát được tập hợp những mặt trăng trên thông qua kính viễn vọng Subaru đặt tại Hawaii.
Mỗi mặt trăng mới được phát hiện trong quỹ đạo bay quanh Sao Thổ có đường kính khoảng 3-6km; 17 mặt trăng trong số này lại có quỹ đạo quay ngược, 3 mặt trăng còn lại quay cùng chiều với sao Thổ.
Hai trong số 3 mặt trăng quay cùng chiều sẽ mất hai năm để "du lịch" vòng quanh Sao Thổ. Trong khi đó, các mặt trăng quay ngược chiều và mặt trăng quay cùng chiều còn lại sẽ mất ba năm để hoàn thành một quỹ đạo.
Đặc biệt hơn, trong số những mặt trăng mới trên, có một mặt trăng nằm cách hành tinh chủ tới 24 triệu km, xa hơn bất kỳ mặt trăng nào khác trong tập hợp vừa được phát hiện.
Theo ông Scott Sheppard, một số mặt trăng dường như là những mảnh của mặt trăng lớn hơn đã bị vỡ ra trong các vụ va chạm với các mặt trăng khác trước đó, hoặc đi qua sao chổi hoặc tiểu hành tinh. Điều này tương tự với sự hình thành của một số mặt trăng trong số 79 mặt trăng đang quay quanh Sao Mộc.
Trước đó, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Sao Mộc đã được xem là hành tinh có nhiều mặt trăng xung quanh nhất.
Sao Thổ là hành tinh khí được tạo thành chủ yếu từ hydro và heli, là hành tinh lớn thứ hai trong Hệ Mặt Trời và là hành tinh lớn thứ 6 tính từ Mặt Trời.
Ông Scott Sheppard cho biết: "Nghiên cứu quỹ đạo của những mặt trăng này có thể tiết lộ nguồn gốc của chúng, cũng như thông tin về các điều kiện xung quanh Sao Thổ tại thời điểm hình thành hành tinh này".