Như chúng ta biết, con người chúng ta không thể sống được nếu thiếu không khí. Ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nhịn thở. Trong không khí thì O2 là khí duy trì sự sống và chiếm khoảng 20% thể tích không khí. Quá trình thở hay hô hấp là quá trình tự nhiên và cực kỳ cần thiết đối với một cơ thể sống. Như vậy, chất lượng không khí sẽ quyết định đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên, sự phát triển của loài người đã đưa vào không khí chúng ta sống một lượng khí độc, mà hiện nay tại nhiều khu vực, chúng vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin trên Bản tin phổ biến kiến thức của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, nhóm nghiên cứu Đại học Geogria (Mỹ) đã phân tích mẫu không khí xung quanh 4 loại cây cảnh trồng trong nhà phổ biến là cây lan Ý, lưỡi hổ, si và cau cảnh. Kết quả cho thấy, bốn loại cây cảnh kể trên có khả năng làm sạch không khí, nhưng mặt khác, chính bản thân chúng cũng là nguồn tạo ra các chất VOCs (Cacbon hữu cơ dễ bay hơi) có hại.
Các chất VOCs ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng mặt, say nôn, sưng mắt, co giật, ngạt, viêm phổi. Chỉ một số ít chất có khả năng gây độc mãn tính thì lại tạo ra ung thư máu, bệnh thần kinh.
Theo phân tích, ở cây lan Ý, số các hợp chất hữu cơ phát thải đo được 23, cau cảnh là 16, cây si là 13 và lưỡi hổ là 12. Một số VOCs là thành phần của các loại thuốc trừ sâu được sử dụng để bảo vệ cây. Một số khác do các vi sinh vật sống trong bầu đất của cây thải ra. Ngoài ra, một lượng không nhỏ VOCs (khoảng 11 loại) phát thải từ các chậu nhựa dùng để trồng cây.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện tượng cây cảnh thải ra các chất hữu cơ bay hơi độc hại cần được tiếp tục nghiên cứu. Để hạn chế ảnh hưởng, các gia đình trồng cây cảnh trong nhà nên sử dung đất sạch, chậu bằng gốm, sứ không độc và tuyệt đối không nên sử dụng thuốc trừ sâu.