(GD&TĐ) – Những mảng cỏ biển cổ xưa ở Địa Trung hải giờ đây được xem là sinh vật lâu năm nhất trên Trái đất sau khi các nhà khoa học đánh giá chúng 200.000 năm tuổi.
Các nhà khoa học Australia đã sắp xếp các mẫu ADN của cỏ biển Posidonia từ 40 thảm cỏ dưới nước trong một vùng diện tích hơn 3.200km từ Tây Ban Nha tới Cyprus.
Các nhà khoa học cho biết một mảng cỏ cổ xưa ở Địa Trung hải có độ tuổi lên tới 200.000 năm |
Những cây cỏ có tuổi từ 12.000 tới 200.000 năm được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Plos ONE. Số tuổi này lớn hơn rất nhiều so với tuổi loài mà chúng ta biết tới là cây Tasmania được cho là 43.000 năm tuổi.
Giáo sư Carlos Duarte, của trường ĐH Tây Australia, nói rằng cỏ biển có thể sống lâu đến như vậy vì nó sinh sản vô tính và tự tạo ra bản sao của chính mình. Các sinh vật chỉ sinh sản hữu tính không tránh khỏi việc bị mất đi sau mỗi thế hệ, ông nói thêm.
“Chúng tiếp tục tạo ra những nhánh cây mới” – giáo sư Carlos Duarte nói với tờ Daily Telegraph – “Chúng phát triển rất chậm và việc bao phủ một vùng lớn lại càng tạo điều kiện có thêm các nguồn dinh dưỡng. Chúng có thể tích trữ dinh dưỡng trong các nhánh lớn trong thời kỳ khó khăn để phát triển”.
Các mảng cỏ tách biệt ở Địa Trung hải lan rộng ra khoảng 16km và nặng hơn 6.000 tấn.
Tuy nhiên, mặc dù cỏ biển là một trong những loài thực vật sống dai nhất thế giới nhưng số lượng của chúng bắt đầu giảm đi do việc con người cải tạo vùng bờ biển và do Trái đất nóng lên.
Phương Hà (Theo Telegraph)