Phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở TP.HCM

Ngay sau khi có kết quả, Chi cục Chăn nuôi thú y TP phối hợp với UBND quận 9 tiêu hủy đàn heo 163 con và toàn bộ thức ăn thừa, rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn...

ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Phát hiện cơ sở chăn nuôi trên địa bàn quận 9 có triệu chứng dịch tả heo châu Phi nên cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính.

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật TP.HCM cho biết, hôm 10/6 đã ghi nhận 1 trường hợp đàn heo nuôi tại hộ Lê Thị Ngọc Cẩm (P. Phú Hữu, Q.9) có dấu hiệu điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi nên Chi cục chăn nuôi thú y đã lấy mẫu đi xét nghiệm.

Sau khi xét nghiệm, Chi cục thú y vùng 6 chuẩn đoán mẫu bệnh phẩm dương tính với dịch tả heo châu Phi. 

Phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở TP.HCM
Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại TP.HCM (ảnh minh họa)

Ngay khi có kết quả, Chi cục chăn nuôi thú y TP đã phối hợp với UBND quận 9 triển khai tiêu hủy đoàn heo với tổng đàn 163 con và toàn bộ thức ăn thừa của hộ chăn nuôi tại khu vực đất trống cách xa khu cư dân. Đồng thời, cơ quan chuyên môn tiến hành rải vôi, tiêu khử trùng liên tục 10 ngày kể từ khi xử lý heo bệnh.

Theo Chi cục chăn nuôi thú y, hiện địa bàn phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 500 con, đơn vị đã phối hợp với UBND quận 9 triển khai cấp thuộc sát trùng cho các hộ dân, tiến hành tiêu độc khử trùng liên tục trong 7 ngày.

Trong phạm vi bán kính 3km từ hộ có heo bệnh gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (Q.9), Bình Trưng Đông (Q.2) có 29 hộ với tổng đàn gần 2.500 con. Chi cục chăn nuôi thú y tiếp tục phối hợp với quận 2 và 9 cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độ khử trùng định kỳ 3 lần/tuần trong 4 tuần kể từ ngày công bố dịch bệnh.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương bố trí chốt chặn tại khu vực cầu Ông Nhiều và cầu Xây Dựng, kiểm soát vận chuyển động vật và tiêu độc khử trùng phương tiện.

Theo Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.HCM, TP hiện có gần 4.000 hộ chăn nuôi với 274.000 con heo, đặc biệt có gần 300 hộ nuôi nhỏ lẻ, lấy thức ăn thừa từ nhà hàng mà không nấu, chính là nguồn có nguy cơ lây lan rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ