Phát hiện mới: Tiền có thể mua được hạnh phúc

GD&TĐ - Từ lâu, tập luyện cơ thể được xem là cách giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường nhưng các nhà nghiên cứu ít khi xem xét tương quan giữa tập luyện và sức khỏe tinh thần như hạnh phúc.

Vận động cơ thể và hạnh phúc.
Vận động cơ thể và hạnh phúc.

Một nghiên cứu mới cũng cho thấy… tiền thực sự có thể mua được hạnh phúc! Người giàu thường sống lâu hơn người nghèo trung bình 10 năm! 

Một giá trị khác của đồng tiền

Rõ ràng, có mối quan hệ “nhân quả” giữa thành công về tài chính, tức kiếm được nhiều tiền, và mức độ trồi sụt của sức khỏe tinh thần. Kết quả của một nghiên cứu mới trái ngược với “niềm tin phổ biến” và kết luận của nhiều nghiên cứu trước đó là “tiền bạc không thể mua được hạnh phúc” (money can’t buy happiness).

Nghiên cứu có tên “Cách biệt giai cấp lớn dần về mức độ hạnh phúc ở Mỹ” (Expanding Class Divide in Happiness in the United States) đã tìm thấy mối tương quan ngày càng sâu sắc giữa địa vị kinh tế - xã hội (gồm thu nhập, giáo dục, có công việc tốt) và sức khỏe tinh thần trong giai đoạn từ thập niên 1970 đến thập niên 2010 trong thành phần dân số 30 tuổi trở lên.

“Mối quan hệ nhân quả giữa hạnh phúc và thu nhập luôn bền vững trong nhiều thập niên qua và ảnh hưởng của thu nhập đối với hạnh phúc ngày càng lớn so với hai thập niên 1970 và 1980. Nói rõ hơn, trong thời đại ngày nay, tiền có thể mua được hạnh phúc nhiều hơn trước. Lời khuyên tiền không mua được hạnh phúc không còn đúng nữa” – Tiến sĩ Jean Twenge, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận định. 

Được tờ The Washington Post trích đăng, nghiên cứu “Expanding Class Divide in Happiness in the United States” dựa vào những số liệu thu thập được trong cuộc khảo sát General Social Survey (vốn được xem là một trong những cuộc khảo sát quy mô và mang tính đại diện cao nhất trong dân số trưởng thành Mỹ) với 44.198 người tham dự trong thời gian khá dài, từ 1972 - 2016.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy không có sự thống nhất về hạnh phúc ở các tầng lớp kinh tế khác nhau. Trong khi hạnh phúc ở những người da trắng có địa vị kinh tế - xã hội cao (thượng lưu) vẫn còn ổn định tại mức “mãn nguyện” thì mức độ hạnh phúc ở những người da trắng có địa vị kinh tế - xã hội thấp hơn lại giảm đều.

Về phía người da đen, mức độ hạnh phúc ở người có địa vị kinh tế - xã hội thấp vẫn ổn định còn mức độ hạnh phúc ở những người có địa vị kinh tế - xã hội cao (thượng lưu) lại tăng.

Các nhà nghiên cứu chia những người tham dự thành 2 nhóm thu nhập và hỏi họ câu hỏi: “Tính cả 3 tiêu chí thu nhập, giáo dục và công việc tốt, bạn tự nhận mình thuộc loại nào: Rất hạnh phúc, khá hạnh phúc hay không hạnh phúc lắm”.

Sau đó, họ phân tích câu trả lời trong nhiều năm của mỗi nhóm. Kết quả: Năm 2016, nhóm có thu nhập cao có mức hạnh phúc cao hơn nhóm thu nhập thấp đến 50%. “Tuy nhiên, chúng tôi không thể xác định hạnh phúc bắt đầu giảm khi thu nhập rơi xuống giới hạn nào hoặc bắt đầu tăng khi thu nhập vượt quá giới hạn nào” - Twenge lưu ý.

Ông nhấn mạnh: “Khác với những nghiên cứu trước cho thấy mức độ hạnh phúc sẽ giữ nguyên sau khi thu nhập hàng năm vượt qua 75.000 USD, nghiên cứu mới phát hiện hạnh phúc vẫn tiếp tục tăng cùng với thu nhập.

Nói rõ hơn, tâm trạng hạnh phúc không dừng lại mà tăng đều theo thu nhập. Dĩ nhiên là phải đi kèm điều kiện, các yếu tố khác có thể tác động đến hạnh phúc đều ổn hoặc tương đối ổn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần”. 

Vận động cơ thể cũng “mua” được hạnh phúc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không chỉ có tiền mà hoạt động thể chất cũng mang lại hạnh phúc với các mức độ khác nhau. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới do Tiến sĩ Sammi R. Chekroud, Giám đốc Trung tâm Oxford Centre for Human Brain Activity và Trung tâm Wellcome Centre for Integrative Neuroimaging thuộc Khoa Tâm lý ĐH Oxford (Anh) chủ trì. Nghiên cứu hợp tác giữa hai ĐH Yale và Oxford khẳng định: “Vận động thể chất thường xuyên sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn tiền bạc (Exercise makes people happier than money).

Những người tập luyện đều đặn có số ngày bị suy giảm sức khỏe tinh thần trong năm ít hơn người không tập. Nói rõ hơn, nếu tiền có thể mua được hạnh phúc thì luyện tập cơ thể đúng mức cũng có thể mua được”.

Báo cáo nghiên cứu kết luận: “Người có chế độ luyện tập thường xuyên cảm thấy hạnh phúc bằng người kiếm được hơn họ 25.000 USD/năm nhưng không luyện tập”. “Trầm cảm và ức chế là nguyên nhân hàng đầu gây ra tâm trạng bất an ở quy mô toàn thế giới. Vì vậy, cần mở các chiến dịch cải thiện sức khỏe tinh thần bằng luyện tập thể chất” – giảng sư tâm lý Adam Chekroud, thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh. 

Để tìm hiểu sự liên quan giữa tập luyện và hạnh phúc, các nhà nghiên cứu phân tích số liệu thu thập được trên 1,2 triệu người lớn khắp nước Mỹ trong cuộc khảo sát “Behavioral Risk Factors Surveillance System” do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành vào các năm 2011, 2013, 2015. Kết quả phân tích được xem là “quy mô và thuyết phục nhất” về mối liên quan này.

Những người dự khảo sát được hỏi 2 câu: “Trong 30 ngày qua có bao nhiêu ngày bạn cảm thấy sức khỏe tinh thần không được tốt, ví dụ bị trầm cảm, bị ức chế hay lo lắng?” và “Bạn có hoạt động thể chất nào trong thời gian này không?”.

Kết quả, những người hoạt động thể chất có số ngày không tốt về tinh thần ít hơn những người không hoạt động đến 43% (10 so với 18 ngày mỗi năm). Hoạt động thể chất gồm cả chăm sóc trẻ, làm việc nhà, cắt cỏ vườn, câu cá, đi xe đạp, tập gym, chạy, trượt tuyết.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khuyến cáo: “Tập luyện quá mức cần thiết không hẳn sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn mà chỉ cần tập 45 phút từ 3 - 5 lần trong tuần là đủ”. Tập theo nhóm cũng tăng thêm sự sảng khoái tinh thần so với tập một mình.

Theo The Washington Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.