Phát hiện loài mang quý hiếm ở khu bảo tồn Pù Hu

Từ bẫy ảnh đặt tại độ cao 758 m trong khu bảo tồn Pù Hu (Thanh Hóa), các chuyên gia thu được hình ảnh một con mang cái, một con mang đực.

Loài mang vừa được phát hiện ở khu bảo tồn Pù Hu. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cung cấp.
Loài mang vừa được phát hiện ở khu bảo tồn Pù Hu. Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cung cấp.

Ngày 7/1, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) cho biết, các nhà khoa học vừa phát hiện loài mang lớn nhờ phương pháp bẫy ảnh (tự động). Từ bẫy ảnh đặt tại độ cao 758 m ở tiểu khu 56, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, các chuyên gia thu được hình ảnh một con mang cái, một con mang đực được máy ảnh chụp cách nhau 10 phút.

Kết quả hình ảnh cho thấy đây là loài mang lớn, tên khoa học là Muntiacus vuquangensis, được công bố từ năm 1994 tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Loài mang này có tên trong Sách đỏ Việt Nam, phân hạng nguy cấp và trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 1B.

“Việc phát hiện hai cá thể mang lớn tại cùng một địa điểm chứng minh cho sự phát triển của loài mang, đồng thời khẳng định sự tồn tại của các quần thể mang lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Đây là phát hiện quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học tại khu bảo tồn”, ông Đông nói.

Ngoài ra, trong tháng 12/2015, các bẫy ảnh cũng chụp được nhiều loài động vật quý hiếm khác đang sinh sống tại khu bảo tồn thiên nhiên này, như gà tiền mặt vàng, mèo rừng, sóc bay…

Trước đó vào tháng 10/2014, các nhà khoa học phát hiện một quần thể mang Muntiacus rooseveltorum với khoảng 30 cá thể sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân, Thanh Hóa). Loài mang có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum thuộc họ hươu nai (Cervidae) từng sinh sống tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) và được các nhà khoa học coi là tuyệt chủng từ 85 năm trước. Mẫu sọ về loài mang này hiện chỉ còn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ