Phát hiện loài khủng long mới ở Trung Quốc

GD&TĐ - Một loài khủng long mới từ đầu kỷ Jura đã được phát hiện ở Tây Nam Trung Quốc. Kết quả này được công bố trong một nghiên cứu trên tạp chí eLife.

Sinh vật cổ đại thuộc nhóm thyreophoran.
Sinh vật cổ đại thuộc nhóm thyreophoran.

Năm 2017, các nhà khoa học phát hiện hoá thạch của một con khủng long bọc giáp, được đặt tên là Yuxisaurus kopchicki ở vùng Yuxi, tỉnh Vân Nam. Khu vực này từng là “điểm nóng” các khám phá về khủng long. Theo tác giả nghiên cứu Shundong Bi - Giáo sư tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), quá trình nghiên cứu về các mẫu vật được bắt đầu vào năm 2019.

Tác giả nghiên cứu Paul Barrett thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết, sinh vật cổ đại thuộc nhóm thyreophoran (khủng long hông chim). Loài này có nhiều điểm tương tự với “họ hàng” Stegosaurus (khủng long phiến sừng). Theo các nhà khoa học, loài khủng long được phát hiện có khả năng sống cách đây 192 triệu đến 174 triệu năm. Đồng thời, đây là loài thyreophoran đầu tiên trong khoảng thời gian đó được công nhận tại khu vực.

“Đây là loài khủng long bọc giáp đầu tiên được thấy tại lục địa châu Á. Phát hiện giúp cho thấy cách thức nhóm này lan rộng khắp thế giới ngay sau khi xuất hiện chỉ vài triệu năm trước đó”, nhà khoa học Barrett cho biết.

Yuxisaurus kopchicki có thể dài từ 6,6 - 9,8 feet (2 - 3 mét). Chúng ăn các loài thực vật phát triển thấp như dương xỉ và cây mè. Ông Barrett cho biết, có nhiều mảng xương bao bọc lấy con vật này. Xương bao phủ cổ, lưng và tứ chi, với những chiếc gai lớn rải rác trên “áo giáp”.

Những chiếc gai này phục vụ nhiều mục đích. Trong đó, chúng có thể bẻ cong hàm và răng của hầu hết các loài săn mồi. Đồng thời, có thể là công cụ để khủng long “khoe mẽ” với các thành viên khác cùng loài trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ hoặc bạn đời. Giáo sư Bi cho biết, một số loài động vật thời hiện đại có hành vi tương tự là nhím và nhím gai.

Ông cho biết, hơn 120 mỏ xương đã được phát hiện từ khu vực khai quật. Nhờ đó, cung cấp cho các nhà nghiên cứu đủ dữ liệu để xác nhận một loài mới. Phần còn lại bao gồm nhiều mảnh vỡ của một bộ xương. Trong đó bao gồm các bộ phận của “áo giáp”, chi, hàm và hộp sọ. Theo Giáo sư Bi, cấu trúc nặng nề và bộ giáp đặc biệt của con khủng long gợi ý rằng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một loài khủng long mới.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ