Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đáng lưu ý, số vụ phát hiện phạm tội về ma túy giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng số lượng ma túy bị thu giữ trong từng vụ lại tăng lên đến hàng tạ, hàng tấn ma túy làm rúng động dư luận.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/9/2019 đã phát hiện hơn 23.300 vụ, hơn 36.200 đối tượng phạm tội về ma túy. Nghiêm trọng hơn, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang thụ lý điều tra thì có 20 đối tượng có độ tuổi từ 18 -30, chiếm tỷ lệ 42,55%.
Cùng với diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, tình hình nghiện ma túy vẫn chưa được kiểm soát, số lượng người nghiện ngày càng tăng và phần lớn sống ngoài xã hội. Hiện nay, có khoảng 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý và hàng trăm nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, 30% người nghiện có liên quan đến tội phạm về ma túy, hàng năm khoảng 1.600 người nghiện ma túy tử vong do sốc quá liều, 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại hơn, trong số 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý thì độ tuổi thanh niên từ 16 - 30 chiếm đến 48%. Nếu tính đến 35 tuổi thì con số này là 76%.
Ma túy tổng hợp đã và đang len lỏi vào học đường, tấn công trực tiếp vào các đối tượng thanh, thiếu niên, hủy hoại thế hệ tương lai của đất nước từng ngày. Ngoài ra, theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2.000 điểm, 300 tụ điểm phức tạp về ma túy và gần 1.600 cơ sở kinh doanh có biểu hiện liên quan đến hoạt động ma túy. Hoạt động mua bán lẻ ma túy diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Đáng nói hơn, trong khi số người nghiện ma túy ngày càng tăng thì dường như chúng ta vẫn đang loay hoay tìm một phương pháp cai nghiện hiệu quả. Tỷ lệ tái nghiện sau cai lên đến 90%. Những bất cập trong hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đã làm cho hiệu quả của công tác cai nghiện rơi vào bế tắc. Như việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nếu như giai đoạn năm 2009 - 2016 cả nước tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho gần 52.000 lượt người thì năm 2018 đã giảm mạnh, còn hơn 4.300 lượt người.
Số lượng giảm nhanh là điều dễ hiểu bởi hình thức này dù phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng lại không khả thi trên thực tế, vì phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người nghiện. Trong khi đó, gia đình và cộng đồng thì thiếu cơ sở vật chất, chuyên môn hạn chế, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau cắt cơn và người cai nghiện.
Với các trường hợp cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, nếu như giai đoạn năm 2009 - 2016 trung bình hàng năm quản lý cai nghiện cho khoảng 43.000 lượt người thì giai đoạn năm 2017 - 2018 con số này giảm là 25.000 lượt người. Điều này cũng là dễ hiểu vì những quy định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vừa phức tạp, vừa chồng chéo nhưng cần phải chứng minh tình trạng nghiện, xác định nơi cư trú. Khi xác định được nơi cư trú ổn định thì phải chuyển người nghiện về nơi cư trú để giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp quy định trên là bất khả thi.