Phát hiện học sinh là F0 tại trường, phương án xử lý sẽ ra sao?

GD&TĐ - Một trong những điều bắt buộc khi các nhà trường mở cửa đón học sinh trở lại học, là chuẩn bị phương án xử lý khi phát hiện các ca F0 tại trường học.

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên
Ảnh minh họa: Khôi Nguyên

Chủ động phương án xử lý

Hiện tại, trên cả nước có 28 tỉnh/thành đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh khi các em trở lại trường là điều được nhiều phụ huynh quan tâm.

Ghi nhận tại Nam Định, ngoại trừ các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Ý Yên, Mỹ Lộc và TP Nam Định đang dạy học trực tuyến, học sinh ở các huyện còn lại vẫn đang học trực tiếp. Ông Đặng Ngọc Cường – Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết, địa phương này yêu cầu các xã tiến hành phân loại cấp độ dịch theo từng thôn/xóm. Toàn huyện hiện đang ở cấp độ 1, tức vùng có nguy cơ thấp nên học sinh toàn huyện vẫn đi học trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên, trong ngày 9/11, UBND huyện đã đề nghị với Sở GD&ĐT Nam Định cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Thúy chuyển sang học trực tuyến do có một số em thuộc diện F1. Các em này là học sinh của huyện Giao Thủy có tiếp xúc với F0 ở đó rồi lên Xuân Trường học nên được yêu cầu cách ly theo quy định.

Huyện cũng thường xuyên họp giao ban với ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ở các xã. Với mỗi cơ sở giáo dục sẽ phải chủ động phương án phòng chống dịch trong trường học và được chính quyền địa phương phê duyệt. Các nhà trường cũng tuyên truyền tới phụ huynh về tác dụng của việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi. Đồng thời, lập danh sách số học sinh trong độ tuổi để tiêm theo hướng dẫn của ngành y tế khi được phân bổ vắc xin.

Cô Đặng Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) cho hay, theo chỉ đạo từ UBND huyện cũng như Phòng GD&ĐT, nhà trường đã chủ động xây dựng kịch bản xử lý tình huống, thậm chí được diễn tập toàn huyện trước khi đón học sinh lớp 9 quay trở lại trường từ ngày 8/11. Với 270 học sinh khối 9 ở 6 lớp, trường chia làm hai ca với 3 lớp học buổi sáng, còn lại sẽ chuyển sang học chiều.

Trường THCS Tây Đằng căng dây, cử cán bộ phân luồng học sinh đi theo hàng lối vào lớp và ra về. Ảnh: Khôi Nguyên.
Trường THCS Tây Đằng căng dây, cử cán bộ phân luồng học sinh đi theo hàng lối vào lớp và ra về. Ảnh: Khôi Nguyên.

“Khi đón các em trở lại trường, chúng tôi rất mừng nhưng cũng khá lo lắng. Bởi, làm sao phải vừa đảm bảo chương trình học cũng như đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Nhà trường có 3 dãy nhà khác nhau, mỗi lớp sẽ học ở một dãy riêng biệt.

Ngay từ cổng trường, các thầy cô cùng lực lượng y tế và thanh niên tình nguyện của thị trấn hướng dẫn, phân luồng các em đi theo hàng lối, giãn cách tối thiểu 2m cả khi học sinh đến hay ra về. Trường hợp phát hiện các ca nghi nhiễm, trường sẽ tiến hành khoanh vùng, cách ly chỉ ở dãy nhà hoặc một lớp học bị thôi chứ không phong tỏa cả trường. Phương án học sẽ chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến một cách linh hoạt”, cô Hà nói.

Cần tiêm sớm cho học sinh 12 - 17 tuổi

Cũng theo cô Thúy Hà, ngoại trừ một cô giáo có bệnh lý nền nên chưa tiêm và đang dạy online, còn lại toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đã được tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19. Nhà trường cũng đã rà soát và lập danh sách các em học sinh trong độ tuổi tiêm theo hướng dẫn của thành phố. Đa số phụ huynh đều đồng ý cho con được tiêm phòng Covid-19. Trường sẽ căn cứ vào kế hoạch của ngành y tế huyện sẽ tiến hành tiêm trong thời gian tới.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sẽ bắt đầu từ quý IV năm 2021. Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Hiện đã có khoảng 900.000 liều vắc xin được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này tại 12 tỉnh/thành phố.

Đối với trẻ đã tiêm hay chưa tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho đi học trực tiếp hay không. Theo đó, các địa phương ở cấp độ 1 có thể cho các học sinh chưa tiêm và đã tiêm đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2, trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách kết hợp với học trực tuyến.

"Khi trường học có F0 thì cần khoanh vùng ngay lập tức. Sau đó phải sàng lọc, F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung, phong toả lớp học hoặc tầng học/toà nhà đó. Tiếp đến, lực lượng y tế sẽ phun khử khuẩn. Sau 24h khử khuẩn có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp đó học. Đó là thích ứng an toàn, hiệu quả" - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.