Học sinh thuộc vùng cấp độ 1, 2 nên được đến trường
Chiều 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Sở Y tế, Sở GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố; đại diện các Vụ, Cục chuyên môn thuộc 2 Bộ.
TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục đào tạo. Rất nhiều địa phương trên cả nước đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và hỗ trợ các tỉnh thành trong việc ra quyết định liên quan đến hoạt động dạy học ở địa phương, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; sổ tay phòng chống Covid-19 trong trường học… Trong đó, công văn 4726/BGDĐT-GDTC với sự thống nhất ý kiến của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể việc tổ chức dạy học trực tiếp-trực tuyến, tương ứng với các cấp độ dịch.
Tuy nhiên, thực tế mỗi địa phương đang triển khai theo một cách khác. Việc tổ chức tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi; thực hiện nguyên tắc "5K", đặc biệt là đeo khẩu trang trong trường học; các quyết định ứng xử khi có F0 trong trường… cũng mỗi nơi thực hiện một khác nhau.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay có 28 tỉnh/thành trong cả nước đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình; nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11. Tuy nhiên, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại phải có nhiều điều chỉnh.
Việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, dẫn đến phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục. Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Quyết định 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải làm thế nào để đảm bảo an toàn nhất cho các em. Trẻ đến trường phải được an toàn và được hỗ trợ để thích ứng môi trường học tập mới sau nhiều tháng dài dạy học trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý học sinh.
Những khó khăn cần giải quyết
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Châu Hoài Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, địa phương này đã triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 17 tuổi với tỷ lệ đạt 97,03%, số còn lại chưa tiêm do mắc bệnh lý nền hoặc chưa thể về đại phương. Tương tự, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin mũi 2 với cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành đạt 93,53%. Toàn bộ 645 cơ sở giáo dục trên địa bàn đều xây dựng phương án phòng chống dịch theo các cấp độ và được chính quyền địa phương phê duyệt; bố trí phòng cách ly tạm thời để sử dụng khi cần.
Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, điểm khó khăn khi học sinh đi học là việc thực hiện "5K". Trong trường học rất khó để đảm bảo giãn cách vì sĩ số học sinh đông. Tại Hạ Long, Cẩm Phả còn nhiều nơi vượt sĩ số cho phép. Việc đeo khẩu trang trong trường học cũng là vấn đề lưu tâm vì học sinh tiểu học còn bé, học 2 buổi/ngày và ăn bán trú, việc thực hiện đeo khẩu trang sẽ rất bất tiện.
Tương tự, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, có trên 96% cán bộ, giáo viên được tiêm 1 mũi. Về an toàn đi học lại, thành phố đã ban hành bộ tiêu chí về an toàn trường học để các trường căn cứ vào đó và thực hiện. Các trường cũng chuẩn bị các phương án theo nghị quyết 128 của Chính phủ. Ông Dũng cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về việc xử trí các học sinh là F0, F1, F2 thật chi tiết để các trường áp dụng linh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho hay, đến nay tình hình dịch bệnh phức tạp nên tỉnh này có 394 trường tổ chức dạy trực tiếp, 142 trường dạy học trực tuyến, 145 trường kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, còn 77 trường mầm non được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
Theo chỉ đạo của tỉnh, mỗi trường đều bố trí phương án để học sinh vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp. Tỉnh chủ động nắm tình hình, Sở Thông tin & Truyền thông có phần mềm riêng để quản lý học sinh, phụ huynh. Khi cần thông báo về các ca F0, F1 trong giáo dục sẽ có một danh sách các đối tượng liên quan.
Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, tỷ lệ tiêm phủ mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên trên toàn quốc đạt trên 75%. Dù tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, khó đoán nhưng đến tháng 9/2021, có 105/134 quốc gia đã mở cửa trường học trở lại.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương, nhân dân, các doanh nghiệp đón nhận với tâm thái hồ hởi, phấn khởi để thích ứng an toàn linh hoạt trong điều kiện dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành giáo dục và y tế ở các địa phương cần phối hợp rà soát, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong tình hình hiện nay. Kiện toàn lại ban chỉ đạo phòng chống dịch ở từng trường, hiệu trưởng phải là trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo cấp huyện phải phê duyệt kế hoạch của từng trường. Nếu nơi nào làm sai phải chịu trách nhiệm. Từng trường phải có kịch bản xử lý nếu có học sinh là F0.
Về việc yêu cầu học sinh tiểu học đeo khẩu trang hay không, ông Tuyên chỉ rõ: Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1583 ngày 7/5/2020. Trong đó quy định không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà. Đặc biệt, không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người...
"Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Do vắc xin về từng đợt 1 nên sẽ ưu tiên từng đối tượng. Tiêm theo lộ trình từ cao xuống thấp dần. Do đó, các địa phương phải tập trung thống kê, rà soát danh sách trẻ thuộc đối tượng tiêm. Đồng thời, tuyên truyền để phụ huynh thấy được lợi ích khi tiêm vắc xin cho trẻ cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra. Địa điểm tiêm cũng có hướng dẫn cụ thể, trẻ có thể tiêm ở trạm y tế, điểm tiêm lưu động hay tiêm tại trường miễn sao đảm bảo các điều kiện an toàn", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.