Phát hiện hóa thạch “Lưỡi hái tử thần”, họ hàng của bạo chúa T.rex

Phát hiện hóa thạch “Lưỡi hái tử thần”, họ hàng của bạo chúa T.rex

Khoảng 79,5 triệu năm tuổi, Thanatotheristes degrootorum là loài khủng long bạo chúa cổ xưa nhất được biết đến trong hồ sơ từ khu vực Bắc Mỹ, một khu vực bao gồm Canada và phía Bắc của miền Tây Hoa Kỳ, theo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu mới về phát hiện này cho biết.

Đây cũng là loài khủng long bạo chúa đầu tiên trước đây chưa được biết đến được phát hiện ở Canada trong vòng 50 năm trở lại.

“Nó chắc chắn từng là một con vật khá hùng vĩ, với hông cao khoảng 8 feet (2,4 mét)”, Jared Voris, Nghiên cứu sinh về cổ sinh vật học tại Đại học Calgary, Alberta, người dẫn đầu nghiên cứu trao đổi với truyền thông.

T.degrootorum sống trong kỷ Phấn trắng, thời kỳ cuối cùng của thời đại khủng long, kéo dài từ khoảng 145 triệu đến 65 triệu năm trước. Con thú to lớn có một hàm răng giống như con dao bít tết dài hơn 2,7inch (7cm). Từ mõm đến đuôi, con khủng long dài khoảng 26 feet (8 mét), hoặc khoảng chiều dài của bốn chiếc nệm cỡ king xếp hàng từ đầu đến cuối.

Các nhà nghiên cứu chỉ có hai phần sọ và hàm của loài khủng long mới phát hiện (vì vậy, họ không thể ước tính khối lượng của nó, vì các chi sau là cần thiết cho tính toán đó), nhưng hóa thạch được khai quật là đủ để xác định sinh vật là một loài mới được phát hiện, họ cho biết.

Giống như các loài khủng long bạo chúa khác, “Lưỡi hái thần chết” có những vết sưng lạ trên hộp sọ khiến nó có ngoại hình quái dị. Nhưng nó cũng có một tính năng có một không hai: Một bộ các đường vân dọc đặc trưng chạy từ mắt xuống mõm trên của nó. “Những đường vân này không giống như bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây ở các loài bạo chúa khác”, Voris nói. “Chúng tôi không chắc chắn lắm về chức năng của chúng”.

Các phần của hộp sọ và hàm của khủng long được phát hiện bởi cặp vợ chồng người Canada John và Sandra De Groot ở Hays, Alberta, họ phát hiện ra hài cốt của con khủng long vào năm 2010 trên bờ sông Bow, miền Nam bang Alberta. Một hộp sọ khác đã được tìm thấy gần đó.

Gia đình De Groot đã báo với Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell ở Alberta về phát hiện này, nhưng phải đến khi Voris đi qua các bộ sưu tập của bảo tàng, ông mới nhận ra đó là một loài mới. Sau khi nghiên cứu hộp sọ dài gần 3 feet (80 cm), Voris và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng T. degrootorum giống với các loài khủng long bạo chúa khác ở miền Nam Alberta và Montana, bao gồm cả Daspletosaurus, vì nó có mõm dài và sâu.

Phát hiện mới cho thấy các loài bạo chúa giống với Daspletosaurus trở nên đa dạng hóa ở phía Bắc của miền Tây Bắc Mỹ vào khoảng 80 triệu năm trước, Steve Brusatte, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, Scotland, người không tham gia nghiên cứu cho biết. Nhưng những con khủng long mõm dài và mõm sâu này dường như ở lại trong rừng nơi chúng trú ngụ, ông nói.

“Đây dường như là một chủ đề lớn hơn: Có các nhóm khác nhau trong đặc trưng của chi khủng long bạo chúa theo thời gian và địa điểm nhất định và chúng không xen lẫn với nhau”, Brusatte chia sẻ.

Ngoài ra, T. degrootorum không lớn bằng T. rex, loài sống cách đó khoảng 12 triệu năm về sau, nhưng khám phá về nó cho thấy “không phải tất cả các loại khủng long bạo chúa đều là siêu sinh vật khổng lồ như T. rex, nhưng có nhiều nhóm nhỏ sống trong các khu vực riêng với loại cơ thể độc đáo và có lẽ là cả phong cách săn bắn của riêng chúng trong kỷ Phấn trắng”, Brusatte nói.

TheoLivescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ