Phát hiện đường hầm ngầm dài 1.300m dưới đền thờ Ai Cập

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các nhà khảo cổ học đã phát hiện một đường hầm đục đá nằm ở độ sâu 13m bên dưới khu vực đền Taposiris Magna, phía tây Alexandria (Ai Cập).

Đường hầm đục đá nằm ở độ sâu 13m bên dưới khu vực đền Taposiris Magna (Ai Cập). Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.
Đường hầm đục đá nằm ở độ sâu 13m bên dưới khu vực đền Taposiris Magna (Ai Cập). Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã công bố phát hiện đáng kinh ngạc về một đường hầm đục đá nằm sâu dưới khu vực Đền Taposiris Magna.

Đường hầm đồ sộ được ví như “phép màu hình học”, dài hơn 1.300m. Đây cũng là khu vực đang được nghiên cứu trong quá trình tìm kiếm ngôi mộ thất lạc từ lâu của Nữ hoàng Cleopatra.

Đoàn khảo cổ từ Đại học San Domingo (Dominica), đứng đầu là Tiến sĩ Kathleen Martinez, đã phát hiện đường hầm nằm ở độ sâu 13m dưới lòng đất. Trong quá trình khai quật, họ còn tìm thấy một số bình gốm dưới lớp trầm tích bùn và một khối đá vôi hình chữ nhật.

Ngoài ra, hai đầu tượng làm bằng thạch cao cũng được tìm thấy gần ngôi đền, trong đó có một chiếc tồn tại từ thời Ptolemaic.

Một phần của đường hầm bị chìm dưới nước, giúp củng cố giả thuyết cho rằng nền móng của Đền Taposiris Magna cũng ở dưới nước.

Trong khoảng thời gian từ năm 320 đến năm 1303 sau Công nguyên, có ít nhất 23 trận động đất xảy ra ở bờ biển Ai Cập. Điều này giải thích cho việc đền Taposiris Magna bị sụp đổ và nhấn chìm một phần.

Một trong những đầu tượng được tìm thấy gần Đền Taposiris Magna. Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.

Một trong những đầu tượng được tìm thấy gần Đền Taposiris Magna. Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.

Kiến trúc thiết kế của đường hầm mới được phát hiện giống với đường hầm Eupalinos tráng lệ trên đảo Samos (Hy Lạp). Eupalinos được coi là một trong những thành tựu kỹ thuật quan trọng nhất thời kỳ Hy Lạp – La Mã cổ đại.

Taposiris Magna, mang ý nghĩa “lăng mộ vĩ đại của Osiris”, là một thành phố cổ được Pharaoh Ptolemy II thành lập từ năm 280 đến năm 270 trước Công nguyên. Ngôi đền ở Taposiris Magna được dành riêng cho Osiris, người được các nhà lãnh đạo Hy Lạp ở Ai Cập tôn thờ.

Trong 14 năm qua, Tiến sĩ Kathleen Martínez là người dẫn dắt các cuộc khai quật tại Taposiris Magna. Những phát hiện trong khoảng thời gian này khiến bà ngày càng chắc chắn rằng mình đang ở gần ngôi mộ thất lạc từ lâu của Nữ hoàng Cleopatra VII và người tình Mark Antony.

Quang cảnh phía Nam của Đền Osiris ở Taposiris Magna. Ảnh: Ancient Origins.

Quang cảnh phía Nam của Đền Osiris ở Taposiris Magna. Ảnh: Ancient Origins.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã có nhiều phát hiện đáng chú ý. Vào năm 2010, một bức tượng khổng lồ không đầu bằng đá granit của một vị vua Ptolemaic đã được tìm thấy. Tiến sĩ Zahi Hawass tin rằng nó có thể thuộc về Ptolemy IV và được dành riêng cho thần Osiris.

Ngoài ra, nhóm khảo cổ học cũng tìm thấy một đầu tượng đẹp của Nữ hoàng Cleopatra cùng 22 đồng xu mang hình ảnh của bà qua nhiều cuộc khai quật, Tiến sĩ Martinez cho biết.

Phía sau đền Taposiris Magna, các chuyên gia phát hiện một nghĩa địa chứa nhiều xác ướp theo phong cách Hy Lạp – La Mã, được chôn với khuôn mặt quay về phía ngôi đền. Điều này có nghĩa ngôi đền có khả năng là nơi chôn cất một nhân vật quan trọng của hoàng gia như Cleopatra.

Theo Ancient Origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ