(GD&TĐ) - Vừa qua, trong quá trình khảo cứu hệ thống di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện Nghi Xuân, nhóm cán bộ của Bảo tàng Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều bộ sưu tập hiện vật, cổ vật cổ, quý hiếm bằng chất liệu gốm sứ.
Bộ sưu tập gốm sứ nhiều loại Thạp, bát thời Trần - Lê. Ảnh: Quang Anh |
Bộ sưu tập gốm sứ trên được phát hiện tại nhà ông Nguyễn Văn Minh, trú ở xã Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), có niên đại khoảng thế kỷ XIV - XV.
Những hiện vật, cổ vật này thuộc nhiều loại hình khác nhau, bằng các chất liệu gốm, sứ cổ được chế tác theo phương pháp thủ công truyền thống. Trong đó bộ sưu tập bát, đĩa cổ chế tác theo kiểu dáng đế chụm, miệng loe, phủ men màu ngọc và nâu, nước men mịn sáng bóng, mang phong cách đặc trưng thời Trần và thời Lê.
Chiếc Thạp cổ từ đời Trần. Ảnh: Quang Anh |
Đặc biệt, có chiếc bát bằng chất liệu gốm, phủ men ngọc, kích thước đường kính miệng 25cm, đường kính đế 15cm, cao 20cm. Miệng bát được trang trí hai vòng tròn gờ nổi đồng tâm khép kín.
Theo nhận định của cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh, chiếc bát cổ thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước tới nay được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh.
Một chiếc bát cổ niên đại thời Lê, chiều cao 10cm, đường kính miệng 20cm, đường kính đế 10cm, phía trong lòng bát được phủ một lớp men mịn bóng, màu trắng đục, phía ngoài bát một bên trang trí các họa tiết hoa văn hình phong cảnh, một bên viết các chữ hán cổ, màu xanh lam, ở phía dưới đế bát có 4 chữ Hán cổ ghi niên đại: Thành Hóa niên chế (niên hiệu Thành Hóa 6, triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1467) nhà Lê.
Chiếc bát cổ niên đại thời Lê. Ảnh: Quang Anh |
Ngoài ra, còn phát hiện 2 chiếc thạp cổ thời Trần bằng chất liệu gốm sứ màu trắng đục, men rạn. Phía trên núm thạp chạm nổi họa tiết hoa văn hình cánh sen cách điệu.
Thạp có kích thước cao 24cm, đường kính miệng 16cm, đường kính đáy 14cm.
Minh Thư