Phát hiện bằng chứng ca phẫu thuật chân sớm nhất trong lịch sử

GD&TĐ - Các nhà khảo cổ học phát hiện bộ xương mất phần dưới chân trái, cho thấy cuộc phẫu thuật chân sớm nhất lịch sử được thực hiện cách đây 31.000 năm.

Các nhà khảo cổ học Australia và Indonesia tình cờ phát hiện ra bộ xương của một thanh niên bị cắt cụt chân cách đây 31.000 năm. Ảnh: Tim Maloney.
Các nhà khảo cổ học Australia và Indonesia tình cờ phát hiện ra bộ xương của một thanh niên bị cắt cụt chân cách đây 31.000 năm. Ảnh: Tim Maloney.

Một bộ xương 31.000 năm tuổi bị mất phần dưới chân trái được tìm thấy trong hang động ở Borneo, Indonesia. Đây được coi là bằng chứng cho ca phẫu thuật chân sớm nhất trong lịch sử. Các chuyên gia cho rằng phát hiện này đã viết lại sự hiểu biết về lịch sử loài người.

Nhóm thám hiểm do các nhà khảo cổ Australia và Indonesia dẫn đầu tình cờ phát hiện bộ xương khi đang khai quật một hang động đá vôi ở Đông Kalimantan, Borneo.

Xác định năm tuổi của răng và lớp trầm tích chôn cất cho thấy, người này đã chết từ 31.201 đến 30.714 năm trước. Độ tuổi khi chết được ước tính là khoảng 19 hoặc 20 tuổi. Nhóm nghiên cứu không thể xác định giới tính nhưng chiều cao bộ hài cốt tương đương với nam giới sống ở thời điểm đó.

Bộ xương còn lại cho thấy phần dưới chân trái bị cắt cụt. Ảnh: Tim Maloney.

Bộ xương còn lại cho thấy phần dưới chân trái bị cắt cụt. Ảnh: Tim Maloney.

Thông qua các phương pháp phân tích cổ sinh vật học, nhóm khảo cổ phát hiện phần xương dưới chân trái có dấu hiệu từng được phẫu thuật cắt bỏ và chữa trị vài năm trước khi chôn cất.

Tiến sĩ Tim Maloney, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith, Úc đồng thời là người giám sát cuộc khai quật, cho biết khám phá này là “một giấc mơ với một nhà khảo cổ học”.

Theo Maloney, dấu hiệu chữa trị và vết cắt gọn cho thấy chân trái của bộ hài cốt bị cắt cụt chứ không phải do tai nạn hay động vật tấn công.

Dựa vào kích thước và sự lành lại của xương, tiến sĩ Maloney cho biết việc phẫu thuật cắt cụt chi được tiến hành khi người này còn nhỏ, ít nhất từ 6 đến 9 năm trước khi chết.

“Người này không chỉ sống sót mà còn sinh tồn được trong môi trường rừng nhiệt đới dù cụt một bên chân. Điều quan trọng là phần chân cụt không bị nhiễm trùng hay dập nát.”, ông Maloney nói.

Trước phát hiện này, tiến sĩ Maloney cho biết đa phần các nhà khoa học tin rằng kỹ thuật phẫu thuật chân xuất hiện từ khoảng 10.000 năm trước. Bằng chứng lâu đời nhất về một ca phẫu thuật cắt cụt chi thành công là bộ xương 7.000 năm tuổi được tìm thấy ở Pháp.

Các nhà khảo cổ làm việc trong hang Liang Tebo, nơi khai quật bộ xương 31.000 năm tuổi. Ảnh: Tim Maloney.
Các nhà khảo cổ làm việc trong hang Liang Tebo, nơi khai quật bộ xương 31.000 năm tuổi. Ảnh: Tim Maloney.

Cécile Buquet - Marcon, nhà khảo cổ sinh học tại Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Phòng ngừa Quốc gia Pháp cho rằng: “Đây là một khám phá đáng kinh ngạc”. Theo cô, sự sống sót sau khi phẫu thuật chi cho thấy việc chăm sóc của cộng đồng và những kiến thức, kỹ năng y tế ít người có được ở ở Borneo thời điểm đó.

Theo The Guardian, Nature

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ