Còn khán giả thì không khỏi băn khoăn về những sản phẩm văn hóa rất đáng ngại về chất lượng nội dung và nghệ thuật lại có thể dễ dàng tiếp cận thị trường.
Trào lưu gắn mác 18+
Gần đây, MV Em không hối tiếc gắn mác 18+ của nữ ca sĩ Hương Giang Idol đã bị dư luận lên án gay gắt. Theo đó, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có Công văn số 751, trong đó nêu rõ MV có những nội dung, hình ảnh trái với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Vì vậy, Cục đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM kiểm tra cơ sở pháp lý của việc phổ biến, lưu hành bản ghi hình nói trên và có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, trường hợp MV của ca sĩ này cũng chỉ là một trong những sai phạm của các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh được đăng tải trên các mạng viễn thông hiện nay.
Xu hướng gắn mác các sản phẩm âm nhạc 16+, 18+… nhiều năm nay đã trở thành “trào lưu” chung của nhiều ca sĩ. Không khó bắt gặp những trang Facebook có nội dung thiếu lành mạnh, nhiều sản phẩm âm nhạc chỉ mới thoáng nhìn qua đã khiến nhiều người phải đỏ mặt.
Không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc, mà cách đây không lâu, bộ phim Căn hộ số 69 - Bộ phim sitcom (hài kịch tình huống) được cho là đầu tiên của Việt Nam gắn mác 18+) đã trở thành hiện tượng khi thu hút tới hơn một triệu lượt người xem trên YouTube.
Cục Điện ảnh đã có công văn gửi tới thanh tra Bộ VH-TT&DL và các cơ quan chức năng thông báo những sai phạm về việc phát hành “Căn hộ số 69” và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vấn đề này.
Những sự việc trên đang là hồi chuông báo động về một trào lưu, nhiều nhà sản xuất, diễn viên, ca sỹ trẻ Việt Nam muốn nhanh nổi tiếng sẽ “đua nhau” làm phim, làm MV nhạc với nhiều cảnh “nóng ”, thậm chí là cả cảnh sex với mục đích nhằm câu kéo khán giả. Dù đã có các chế tài xử phạt nhưng thực tế các quy định đến nay vẫn chưa đủ sức răn đe khi các sai phạm cứ liên tiếp xảy ra.
Cần chế tài chặn “rác” văn hóa?
Dễ thấy, hình thức phát hành phim trực tiếp trên mạng là cách khôn ngoan để né tránh kiểm duyệt của nhà sản xuất nhưng lại là mối nguy hiểm khôn lường với người xem khi nội dung không được kiểm soát. Vì thế, cần sự mạnh tay của cơ quan chức năng thay vào việc trông chờ ý thức của người xem như hiện nay.
Hiện tại, các sản phẩm văn hóa đều phải qua các bộ phận kiểm duyệt. Hội đồng duyệt phim quốc gia sẽ chịu trách nhiệm kiểm duyệt, cấp phép cho một bộ phim điện ảnh ra rạp. Các bộ phim truyền hình lên sóng đều do giám đốc các đài truyền hình chịu trách nhiệm, từ kịch bản đến phim thành phẩm.
Các album nhạc muốn phát hành đều phải qua Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Băng đĩa phim đều phải có giấy phép của Cục Điện ảnh. Duy chỉ có những sản phẩm đưa lên mạng, cụ thể là phát hành phim trên YouTube là hiện không có ai kiểm soát.
Mới đây, Bộ VH-TT&DL cũng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Việc quản lý giám sát các nội dung được đăng tải trên internet nói chung và YouTube nói riêng vẫn là bài toán khó. Ngay cả việc phim cộp mác 18+ cũng chẳng có nghĩa lý gì, vì phim trên mạng, ai thích xem cũng được.
Nhiều người sẽ cho rằng, YouTube vốn là một kênh chia sẻ mở nổi tiếng toàn thế giới. YouTube chỉ có thể cho nhà sản xuất biết người xem đến từ những quốc gia, vùng nào, nhưng không thể cho biết độ tuổi thật của họ, còn bản thân những người biểu diễn vi phạm dù nhận án phạt vẫn ung dung, nếu không nói là vẫn tiếp tục tái diễn những vi phạm.