Thấy đẹp không ham cầu là khó
Đẹp là một trong các yếu tố của thẩm mỹ học. Đẹp theo quan niệm thông thường là những cái hợp nhãn, gây nhiều ấn tượng tốt cho người xem, người đọc. Căn cứ theo quan điểm triết học Phật giáo, đẹp là những giá trị mặc ước, tùy thuộc vào quan điểm của con người, của phong tục tập quán. Có những cái ở đây cho là đẹp nhưng ở một nơi khác thì lại phê chuẩn cho nó một giá trị mặc ước khác. Nhưng nhìn chung, cái đẹp, nó có giá trị nhất định theo giá trị mặc ước của nó. Và căn cứ vào giá trị mặc ước đó thì cái đẹp vẫn là cái quyến rũ, hấp lực con người theo cái nhìn hệ lụy của con người. Nhìn vào một bông hoa đẹp, mặc dù hoa vô tình, nhưng nó vẫn gây ấn tượng đam mê ở người ngắm. Bản thân của cái đẹp hiện hữu không tội lỗi gì cả, nhưng nếu con người nhìn nó với cái nhìn quyến luyến của chất ái thì cái đẹp trở thành sợi dây ràng buộc sự giải thoát con người.
Xúc đối trước một cảnh đẹp khả hỷ, khả ái người ngắm nhìn có một cái nhìn tuệ giác, biết nó là vô tính, sự hiện hữu của nó chỉ là một tập hợp duyên tụ tán, chính vì thế bản thân nó là một hữu kiện vô ngã, vô thường. Cái đẹp của nó chỉ tạm thời, mặc ước không phải là một giá trị cố định và miên viễn. Do đó, người nhìn nó thoát ly khỏi cái hệ lụy, đam mê. Nhìn nó với cái nhìn “như thị tri kiến” không mang theo, không gán cho nó một giá trị giả thiết nào cả. Cái nhìn như vậy là cái nhìn quán chiếu Bát nhã, đúng với bản chất của nó. Từ đó, người xúc đối cảnh hảo ý vẫn giữ thái độ thản nhiên, thanh thoát, không khởi ý tham cầu nó, chiếm hữu nó, không biến nó thành một ngã sở hữu. Mà biết nó hiện hữu như không hiện hữu, đẹp như không đẹp, không ái thủ - giải thoát.
Ảnh minh họa.
Nhẫn được sắc dục là khó
Khái niệm nhẫn ở đây hoàn toàn mới mẻ và phong phú. Nhẫn không chỉ giới hạn ở sự chịu đựng những lời nhục mạ như nguyên ngữ Hán. Nhẫn còn có ý nghĩa sâu rộng hơn là không đam mê, không nhiễm đắm sắc và dục. Như chúng ta đã biết, sức công phá của sắc dục có thể làm băng hoại nhân cách của con người, làm sa đọa con người. Ở đây, nhẫn được sắc dục là chế ngự, thu thúc được lục căn, không để cho lục căn thao túng, mà ngược lại, ta chỉ huy nó theo ý muốn thiện của ta. Khống chế được sắc dục, con đường hướng thượng, phạm hạnh sẽ rộng mở và giải thoát sẽ lần khai. Quán triệt và thực hiện được nhẫn sắc dục, một vị Thiền sư đã diễn tả sở chứng của mình: “Văn thanh kiến sắc như thạch thượng tài hoa. Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết.” Nghe tiếng thấy sắc chỉ như là hoa trồng trên đá (vô hiệu hóa). Thấy lợi thấy danh như mạt vàng vướng vào mắt).
Vì vậy, nhẫn sắc dục cũng chính là một trong các yếu tố quyết định sự giải thoát mọi chấp mắc. Nó vô hiệu hóa căn trần để thể nhập sự an tĩnh tuyệt đối. Do đó, nhẫn được sắc dục là một việc làm hy hữu.
Tà dâm chắc chắn phải đền tội
Ngày xưa ở Động Đình có một người tên là Trần Sinh, nhà rất nghèo nên ông ta đưa vợ và em trai đến đất Châu Kinh làm ăn sinh sống. Ở đây khách buôn bán lui tới tấp nập. Trần Sinh tính tình cởi mở hay chiều khách, lại khéo mua bán, nên chẳng bao lâu công việc buôn bán làm ăn phát đạt, nhà rất giàu có.
Rồi một ngày kia, ông bị bệnh nằm liệt giường. Được vài hôm, ông bỗng trỗi dậy gọi vợ cùng em đến bảo rằng: “Ba người chúng ta kiếp trước đều là tu sĩ mắc tội chung nhau gian dâm với một thiếu phụ rồi giết người chồng. Kẻ cầm giao giết người chồng chính là tôi. Nay vì tội gian dâm và giết người nên Minh vương cho quỷ đến bắt, oan trái tất phải đền trả. Bây giờ tôi đi trước, còn hai người chắc cũng không thoát khỏi đâu!”. Nói xong, tự nhổ râu tóc, lấy dao cắt lưỡi mình, lại lấy hai ngón tay tự móc mắt mình, ít phút sau tắt thở. Người vợ và em mấy ngày sau cũng chết.