Xét xử vụ nâng điểm thi tại Hà Giang: Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT từng cảm thấy “sốc”

GD&TĐ - Bước sang ngày thứ 3 xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, khi được xét hỏi, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, Vũ Văn Sử, nói rằng rất đau lòng và đã “sốc” khi biết sự việc nghiêm trọng như vậy.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài.

Đứng trước hội đồng xét xử, ông Vũ Văn Sử - cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang - trả lời rành rẽ các câu hỏi và nói rằng rất đau lòng khi sự việc này xảy ra. “Lần đầu tiên trong lịch sử thi cử nước nhà xảy ra sự việc này. Tôi đã báo cáo với các cấp, báo cáo trung thực, quyết tâm cùng các cơ cơ quan chức năng vào cuộc. Đây là điều hết sức đau lòng nên mới có phiên tòa ngày hôm nay” - ông Sử nói trước tòa.

Ông Vũ Văn Sử nói rằng thấy buồn và khó hiểu về danh sách 13 cháu nhờ xem điểm thi được nhắc đến trong vụ án. Có 3 thí sinh có tên trong danh sách này, một là con của cô Nông Lâm Thanh Triều, công tác ở một phòng giáo dục có chồng là cán bộ biên phòng huyện Đồng Văn.

“Thời điểm con cô Triều thi, chồng cô đột tử nhưng gia đình giấu không cho cháu biết để cháu tham gia hết kỳ thi. Khi biết sự việc, tôi rất chia sẻ và có nói chuyện với chị Chính (bị cáo Triệu Thị Chính - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) về trường hợp này. Tôi nói rõ mục đích là xem điểm, nếu cháu tốt nghiệp là tốt, còn nếu có làm sao thì sẽ cho cháu làm đơn để được đặc cách đỗ. Nhưng, cháu đã tốt nghiệp kỳ thi nên không phải làm đặc cách. Trường hợp khác là hai cháu sinh đôi con của chị Hương, Phó Chánh văn phòng tỉnh Hà Giang. Khi sang Ủy ban họp, chị Hương nói chuyện có con thi và nhờ xem điểm chứ không có gì nhờ vả nâng điểm” - ông Vũ Văn Sử phân bua.

Theo ông Sử thì ông vốn rất tin tưởng vào sự bảo mật, an toàn của kỳ thi, tin tưởng vào việc không có tiêu cực. Ông đã bàng hoàng và “sốc” khi sự việc nghiêm trọng xảy ra. Ông Sử cho biết ngay tối ngày 7/7/2018 ông được báo tin mất dấu niêm phong tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm đang được giữ tại Hội đồng thi trường Chuyên Hà Giang. Ngay lập tức, ông Sử cùng hai Phó Giám đốc khác của Sở là anh Bình, chị Chính đến ngay địa điểm trên để kiểm tra.

Ông Sử được cấp dưới báo lại là gọi điện cho Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều không được, xuống nhà tìm thì cửa nhà ông Hoài đóng kín.

“Tôi linh tính có chuyện bất thường sau đó yêu cầu trích xuất camera giám sát thì thấy anh Lương xuất hiện tại phòng chứa bài thi trắc nghiệm, giật niêm phong, mở khóa cửa và mang cây CPU máy tính ra khỏi phòng chứa bài thi” - ông Sử khai báo trước tòa.

Hôm nay tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai rằng với uy tín cá nhân của anh ta, anh ta có thể nhờ nhiều giám thị chấm, can thiệp, nâng điểm môn Ngữ văn. “Bị cáo bắt đầu có ý định nâng điểm môn Ngữ văn khi bị cáo Triệu Thị Chính đưa danh sách 13 thí sinh, trong đó nâng điểm 12 thí sinh và xem điểm một thí sinh”.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nói rằng nếu không bị phát hiện thì ông ta có thể nâng điểm môn Ngữ văn bằng cách sau khi ghép phách sẽ nhờ các cán bộ chấm thi tiến hành nâng điểm.

“Căn cứ vào uy tín trong công việc nhiều năm tại Sở, bị cáo có thể nhờ rất nhiều giám thị chấm chéo để thực hiện can thiệp. Trong quá trình làm việc, bị cáo có quen biết rất nhiều cán bộ cùng tham gia xây dựng đề thi, phản biện, duyệt đề nên có thể nhờ can thiệp, chấm nâng điểm môn tự luận” - bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai.

HĐXX vẫn đang tiếp tục làm việc. Theo dự kiến ban đầu phiên tòa sẽ kéo dài trong 3 ngày, kết thúc vào ngày hôm nay. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên cho thấy khả năng phiên xử vẫn được tiếp tục sang ngày mai (17/10).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.