Vụ cao tốc Trung Lương: Ông Đinh La Thăng tiếp tay Út "trọc" chiếm 725 tỷ đồng

GD&TĐ - Bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về những sai phạm trong bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và 18 đồng phạm ra tòa ngày 14/12.

Bị cáo Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải qua), Nguyễn Hồng Trường cùng các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12. Ảnh: TG
Bị cáo Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải qua), Nguyễn Hồng Trường cùng các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12. Ảnh: TG

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ phủ nhận tên Út “trọc”

Theo đó, ngày 14/12, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long, thuộc Bộ GTVT), Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Phiên tòa dự kiến kéo dài tới 25/12.

Tham dự phiên tòa có hơn 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo cùng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện Viện KSND công bố bản cáo trạng và phần phụ lục của vụ án dài gần 100 trang, buộc tội bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm.

Phiên tòa có 20 bị cáo, trong đó có bị cáo Đinh La Thăng (giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8/2011 đến tháng 2/2016) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cùng hầu tòa với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” như bị cáo Đinh La Thăng còn có 6 bị cáo từng là cán bộ Bộ GTVT gồm: Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4/2007 - 8/2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính); Dương Tuấn Minh, Dương Thị Trâm Anh (nguyên Tổng Giám đốc và Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long), Nguyễn Thu Trang (nguyên Phó Trưởng phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu, Tổng Công ty Cửu Long).

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út ‘trọc’, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) bị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; 12 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khoảng 6 giờ 50 phút, bị cáo Đinh La Thăng cùng 19 bị cáo khác được dẫn giải đến tòa. Tuy nhiên, 8 giờ, lực lượng an ninh mới mở cổng kiểm soát cho người tham dự phiên tòa vào bên trong.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Ngọc Hệ đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên nhằm làm rõ thiệt hại trong vụ án. Ngoài ra, luật sư đề nghị tòa án triệu tập thêm nhiều người liên quan đến phần tài sản đang trong diện kê biên của bị cáo Hệ.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng hồ sơ vụ án có đầy đủ những nội dung luật sư đề cập. Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ triệu tập những cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến vụ án nếu thấy cần thiết.

Trước đó, một số cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đến dự tòa. Tuy nhiên, đại diện VKSND TPHCM nhận thấy việc những người này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Sau khi đọc quyết định đưa vụ án bị cáo Đinh La Thăng giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương trái luật gây thất thoát hơn 725 tỷ đồng ra xét xử sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa tiến hành thẩm tra lý lịch 20 bị cáo.

Ở phần thủ tục khai báo, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai ngoài tên Hệ không còn tên gọi nào khác. Khi vị chủ tọa đề cập trong các bản án hình sự có ghi nhận bị cáo có tên gọi Út “trọc”, ông Hệ phủ nhận. Bị cáo Hệ khẳng định lại mình chỉ có một tên gọi, các tên khác trong các bản án đã xét xử là không đúng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) tại phiên tòa. Ảnh: TG
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”) tại phiên tòa. Ảnh: TG

Hành vi chiếm đoạt 725 tỷ đồng của Út “trọc”

Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng để triển khai. Tổng Công ty Cửu Long được giao quản lý dự án và thu phí từ ngày 25/2/2012. Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, khi dự án hoàn thành sẽ bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp (DN) khác để lấy tiền đầu tư hạ tầng.

Với vai trò là người đứng đầu Bộ GTVT, bị cáo Đinh La Thăng được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, đã ký Văn bản số 7331 đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long - thuộc Bộ GTVT) để Công ty của Đinh Ngọc Hệ - đang kinh doanh thua lỗ, không đủ năng lực tài chính, mua được quyền thu phí.

Hành vi này của ông Thăng bị cáo buộc vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Đồng thời, ông Thăng biết việc Công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời hạn, vi phạm quy chế bán đấu giá và hợp đồng, phải bị chấm dứt trước thời hạn nhưng không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn yêu cầu cấp dưới để doanh nghiệp trả từ từ.

“Hành vi của ông Đinh La Thăng là trái với quy định của Nhà nước và đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát với vai trò chủ mưu, cầm đầu” - Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu.

Cũng theo bản cáo trạng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo tài chính để đủ điều kiện tham gia đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, Đinh Ngọc Hệ kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí, đồng thời chỉ đạo cấp dưới dùng hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương thế chấp tại ngân hàng để vay 1.703 tỷ đồng.

Quá trình thu phí, Đinh Ngọc Hệ tiếp tục có hành vi gian dối, chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi, che giấu doanh thu, báo cáo không đúng doanh thu thực, từ đó chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Bị cáo Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ cùng đang chịu hình phạt 30 năm tù ở những phiên tòa trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ