Vĩnh Phúc: Hai mẹ con nữ sinh hơn 10 năm “đánh đu” với tòa

GD&TĐ - Theo mẹ đến tòa án từ khi còn là cô bé, đến nay em Nguyễn Thị Thơm đã là sinh viên năm 3 trường đại học. Mong mỏi của mẹ con em là một ngày gần nhất, pháp luật sẽ trả lại sự công bằng cho gia đình.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hiền được xây trên mảnh đất khai hoang giáp 2 ô đất tranh chấp.
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Hiền được xây trên mảnh đất khai hoang giáp 2 ô đất tranh chấp.

10 năm, 6 bản án

Chị Nguyễn Thị Hiền cùng con gái Nguyễn Thị Thơm (thôn Hương Ngọc, xã Hương Sơn, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hơn 10 năm nay phải lăn lộn với tòa án (Tòa) các cấp.

Một vụ tranh chấp đất với 6 bản án được tuyên, đến khi vụ án bị đình chỉ tưởng chừng công lý đã mỉm cười với mẹ con chị. Thế nhưng, chị Hiền chỉ được nhận lại số tiền án phí bị cưỡng chế nộp trước đó, còn mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho chị thì nay cấp cho người khác. 

Chị Hiền kể lại, năm 1993, UBND xã Hương Sơn, huyện Tam Đảo (nay là huyện Bình Xuyên), tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương cấp đất có thu tiền sử dụng đất. Chị và ba người khác cùng làm đơn đề nghị xin cấp đất gồm ông Hoàng Văn Thảo, bà Nguyễn Thị Gián, bà Nguyễn Thị Hạnh.

Chị Hiền đã nộp tiền cho ông Hồng địa chính xã đối với ô đất của gia đình. Còn ô đất của bà Hạnh thì do bà không có nhu cầu sử dụng nên bà Hạnh bảo chị Hiền nộp tiền vào mà ở cho rộng. Chị Hiền đến gặp ông Hồng đề nghị cho được nộp tiền ô đất của bà Hạnh.

Ông Hồng đồng ý. Sau khi nộp tiền, ông Hồng đưa cho chị Hiền 2 phiếu thu số 09 và số 10 cùng ngày 10/4/1993. Năm 2004, chị Hiền đi kê khai đăng ký 2 ô đất trên và được cấp sổ đỏ với diện tích là 785m2. Trong đó có 300m2 đất thổ cư và 300m2 đất vườn, còn 185m2 đất thừa so với sổ đỏ là đất khai hoang thêm.

Năm 2010, bà Gián khởi kiện tại TAND huyện Bình Xuyên. Bà cho rằng 4 thửa đất trên đều là của bà Gián. Bà Gián trình bày là người đã nộp tiền cả 4 suất đất trên cho ông Hồng. Nhưng bà Gián không có biên lai nộp tiền. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Gián cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh. 

Nhưng TAND huyện Bình Xuyên và sau đó là TAND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tuyên buộc chị Hiền phải trả lại 2 ô đất cho bà Gián. Sau bản án của Tòa tỉnh (lần 1) năm 2011, Chi cục THA dân sự huyện Bình Xuyên đã cưỡng chế thi hành án, buộc chị Hiền phải giao lại 600m2 đất cho bà Gián. Bà Gián được cấp sổ đỏ mới rồi bán đất cho người khác.

Không đồng ý với nhận định của Tòa, chị Hiền làm đơn kháng cáo đến TAND Tối cao và được TANDTC tuyên hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu TAND huyện Bình Xuyên xét xử lại.

Ở lần xét xử lại (lần 2), cả TAND huyện Bình Xuyên và TAND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục tuyên buộc chị Hiền phải trả lại đất cho bà Gián. “Tôi kháng cáo và cuối năm 2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy 2 bản án của Tòa Bình Xuyên và Tòa tỉnh, yêu cầu TAND huyện Bình Xuyên xét xử lại”, chị Hiền nói.

Trong lần xét xử sơ thẩm lần thứ ba vào năm 2019, bà Gián được Tòa án nhân dân huyện Bình Xuyên triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt nên đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. 

Vậy là sau gần 10 năm, 6 bản án đã được tuyên, trong đó, 4 bản án bị hủy bỏ. Và đến nay, mẹ con chị Hiền vẫn “lang thang” kêu cứu, đòi lại mảnh đất của mình mà chưa biết đến khi nào mới lấy lại được.

Vụ kiện có 6 bản án được tuyên.
Vụ kiện có 6 bản án được tuyên.

“Hết cấp 3 em muốn đi làm công nhân để nuôi mẹ!”

Nhà chỉ có 2 mẹ con, những năm 2010, căn nhà chị Hiền ở chỉ bằng cái bếp của người dân nghèo xã Hương Sơn. Từ khi vướng vào kiện tụng, hai mẹ con bữa no, bữa đói tìm đến “cửa quan” để kêu cứu chứ không có tiền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi.

Thời gian từ lúc Tòa tỉnh tuyên đến lúc TAND Tối cao và TAND Cấp cao hủy án cũng vài năm trời, nhiều lúc chị Hiền suy sụp, tuyệt vọng. Những lúc như thế này, lời động viên của đứa con gái vốn mang nhiều thiệt thòi đã giúp chị nuôi dưỡng niềm tin, tin vào một ngày công lý sẽ mỉm cười với mẹ con chị.

Chị Hiền tâm sự trong nước mắt, thời điểm đó con tôi còn nhỏ, tiền lương hơn 1 triệu thì bị cưỡng chế nộp án phí mỗi tháng 500 nghìn. Nhiều lúc đóng học cho con cũng phải chạy đi mượn anh em họ hàng mà nghĩ cơ cực. Rất may, cháu nó biết thương mẹ, cố gắng học hành và thường động viên nên tôi cũng vững tâm để theo kiện.

Năm nay, em Nguyễn Thị Thơm – con của chị Hiền đã là sinh viên đại học năm thứ 3. Thơm kể: Lúc người ta thi hành án, họ đến rất đông, có nhiều người hùng hổ dọa nạt. Lúc đó em với mẹ chỉ biết ôm nhau khóc.

Lớn hơn một chút em tâm sự với mẹ là chỉ học hết cấp 3 rồi xin đi làm công nhân chứ cuộc sống vất vả thế này làm sao mẹ lo cho con ăn học đại học. Mà đi làm sớm còn có tiền giúp mẹ theo kiện.

Thế nhưng, mẹ thương em! Mẹ động viên em cứ cố gắng học hành, mẹ sẽ làm thuê, làm mướn để có tiền cho em ăn học, còn nếu thiếu thì vay mượn người thân rồi sau này đi làm trả dần.

“Khi xuống Hà Nội học, năm đầu, em may mắn được anh chị nhà bác cho ở nhờ phòng trọ. Thu xếp thời gian học, em xin đi làm thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống. Còn hơn 1 năm nữa em tốt nghiệp và em luôn hứa với mẹ sẽ cố gắng để hoàn thành tốt việc học tập.

Còn việc đòi lại đất, em vẫn động viên mẹ rằng, cứ cố gắng, pháp luật sẽ mang đến công bằng cho mình. Nếu phải theo đuổi vụ việc thêm thời gian nữa thì con vẫn luôn đồng hành và ủng hộ mẹ” – Thơm chia sẻ thêm.

Trở lại vụ của chị Hiền, sau khi Tòa đình chỉ vụ án, chị nhiều lần đến TAND huyện Bình Xuyên để gửi đơn khởi kiện đòi lại mảnh đất mà trước đó cơ quan thi hành án đã cưỡng chế để giao cho bà Gián nhưng đều bị trả lại đơn. 

Chị Hiền than thở: “10 năm dòng tôi theo kiện, đạp xe từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội kêu cứu, cơ cực đủ đường. Chỉ vì nghèo, vì thiếu hiểu biết pháp luật mà tôi bị Tòa Bình Xuyên làm khó.

Trước khi Tòa đình chỉ giải quyết vụ án vào năm 2019, Tòa triệu tập tôi lên chỉ hỏi quan điểm của tôi về việc đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của bà Gián chứ không giải thích cho tôi biết về việc nếu tôi đồng ý cho Tòa đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án thì đồng nghĩa với việc tôi mất quyền yêu cầu tòa án giải quyết hậu quả của việc thi hành án và các vấn đề khác có liên quan.

Đến giờ, Tòa bảo tôi không có quyền đòi lại đất”. 

“Tôi khẳng định, 10 năm tôi theo kiện để đòi lại đất chứ không phải theo kiện cho vui. Nay, do trình độ hiểu biết về pháp luật của tôi kém với lại hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi chỉ biết gửi đơn kêu cứu và mong chờ các cơ quan pháp luật soi xét, trả lại công bằng cho mẹ con tôi” – chị Hiền mong mỏi.

Do vụ việc đã kéo dài quá lâu, Báo GD&TĐ đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân và mang lại công bằng cho gia đình nữ sinh Nguyễn Thị Thơm.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.