Quảng Trị: Rừng phòng hộ tan hoang - Ban quản lý vẫn “thoát” kỷ luật

GD&TĐ - Thời gian qua, lâm tặc triệt hạ nhiều cây rừng tự nhiên (trong đó có nhiều loại gỗ quý) thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải.

Gỗ trong rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải bị lâm tặc cưa xẻ tập kết thành bãi để chờ thời cơ thuận lợi đưa ra ngoài bán.
Gỗ trong rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải bị lâm tặc cưa xẻ tập kết thành bãi để chờ thời cơ thuận lợi đưa ra ngoài bán.

Dù vậy lãnh đạo Ban quản lý vẫn không bị kỷ luật về việc này.

Rừng già bị “xẻ thịt”

Đầu năm 2021, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải (thuộc địa phận hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị) bị xâm hại nghiêm trọng.

Tại các tiểu khu 579, 580, 581 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) và 598T, 600T (thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh), hàng loạt cây rừng với đường kính từ 30 - 50cm, thuộc nhóm I – VII bị lâm tặc chặt lấy gỗ và đã tẩu tán, chỉ còn cành và gốc nằm ngổn ngang giữa rừng.

Trong số này có nhiều gốc cây thuộc nhóm gỗ quý như táu, gõ lau, lim, huỵnh, dẻ… Ở mỗi gốc cây này vẫn lưu những dấu mùn cưa còn mới, cho thấy các cây gỗ này mới bị chặt hạ không lâu. Tổng khối lượng gỗ bị chặt phá khoảng 85,483m3.

Cánh rừng tự nhiên này thuộc lâm phần quản lý, bảo vệ của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (thuộc Sở NN&PTNT Quảng Trị). Mặc dù việc khai thác gỗ trái phép diễn ra khá nghiêm trọng, nhưng chủ rừng không hề hay biết và không có báo cáo để xử lý kịp thời.

Đây không phải là lần đầu tiên gỗ lớn ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải bị chặt hạ. Trước đó, vào giữa năm 2016, khu rừng này từng bị lâm tặc xẻ thịt ồ ạt. Trước bức xúc của dư luận về vụ phá rừng nghiêm trọng này, Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Quảng Trị điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngay sau khi vụ việc trên được phát hiện và phản ánh trên báo chí, Chủ tịch Quảng Trị đã có công văn khẩn, đề nghị các cấp ngành liên quan làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Phía Sở NN&PTNT Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra thực địa ở các tiểu khu. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải tập trung lực lượng và phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, cũng như triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Trong đó có việc tăng cường tuần tra bảo vệ rừng. Lập chốt chặn các điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tăng cường công tác kiểm soát lâm sản trên tuyến đường từ Vĩnh Ô đi Vĩnh Hà, thị trấn Bến Quan và về các xã đồng bằng…

Giữa tháng 5/2021, người dân tiếp tục phát hiện 2 bãi gỗ với gần 60 phách được lâm tặc cưa xẻ, tập kết trong các tiểu khu 599T và 600T. Số gỗ ở 2 bãi gỗ này sau đó đã được lực lượng kiểm lâm đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản và đưa về trạm.

Nhiều cây rừng lớn nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị cưa đổ được phát hiện vào cuối tháng 3/2021.
Nhiều cây rừng lớn nằm trong lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị cưa đổ được phát hiện vào cuối tháng 3/2021. 

Không kỷ luật chủ rừng vì mức độ vi phạm chưa đến mức

Cuối tháng 7 vừa qua, Sở NN&PTNT Quảng Trị đã có báo cáo trình UBND tỉnh về kết quả xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân liên quan.

2 lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, gồm ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc và ông Hoàng Duy Quang - Phó Giám đốc đều không có tên trong danh sách bị xem xét kỷ luật. Hai người này chỉ thuộc diện “đưa vào xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm 2021”.

Các cá nhân gồm Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và kỹ thuật Trần Quang Long; Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng Tiểu khu 604 Nguyễn Ngọc Linh; Phó trưởng trạm phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng Vĩnh Hà - Vĩnh Ô Nguyễn Đăng Quốc… bị đề nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho hay: “Chúng tôi đã xem xét vụ việc từ nhiều góc độ. Sau đó đi đến thống nhất không xem xét kỷ luật lãnh đạo Ban quản lý vì mức độ vi phạm của những người này chưa đến mức phải kỷ luật. Tuy nhiên, những trường hợp này cũng bị kiểm điểm”.

Cũng theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, để xảy ra tình trạng phá rừng là do trên 90% dân số ở xã Vĩnh Ô là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống, trình độ dân trí chưa cao, sinh kế dựa vào rừng. Năm 2020, lũ lụt khiến đời sống người dân nơi đây thêm khó khăn, nhà cửa bị hư hỏng.

Thêm vào đó, địa bàn quản lý rộng với hơn 21.000ha rừng, trong đó hơn 8.600ha rừng tự nhiên, nhưng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải chỉ có 16 người.

Ngoài ra, đơn vị này và các lực lượng liên quan dự báo, nhận định tình hình chưa chính xác. Còn có tư tưởng chủ quan trong công tác nắm tình hình, tin tưởng vào báo cáo của lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở. Một số cán bộ viên chức làm công tác bảo vệ rừng chưa phát huy hết trách nhiệm.

Sự phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, chủ rừng, chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ và thông tin thiếu kịp thời đến các cơ quan cấp trên. Việc kiểm tra, tuần tra các phương tiện ra vào rừng còn thiếu nghiêm ngặt dẫn đến việc một số đối tượng vận chuyển một phần khối lượng gỗ khai thác trái phép ra khỏi địa bàn mà không kịp thời ngăn chặn.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, những khó khăn về kinh phí, nhân lực bảo vệ rừng mà Sở NN&PTNT trình bày trong báo cáo đều đúng. Hiện tỉnh đang nghiên cứu, xem xét lại vụ việc này để đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ