Ông Nguyễn Đức Chung kêu oan, xin đối chất

GD&TĐ - Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu oan trước cáo buộc lạm dụng chức vụ và cho hay “chưa bao giờ bàn bạc với ai, làm gì để tính toán lấy một đồng của Nhà nước”.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung được áp giải tới tòa.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung được áp giải tới tòa.

Đề nghị đối chất Phó chủ tịch

Ngày 10/12, TAND Hà Nội xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cty Thoát nước Hà Nội.

Các bị cáo trong vụ gồm ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, nguyên Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic.

 Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 2 ngày. Ngoài các bị cáo, Hội đồng xét xử còn triệu tập bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng bà vắng mặt, ủy quyền cho luật sư.

Theo cáo trạng, năm 2016, Hà Nội có chủ trương thay đổi công nghệ cũ xử lý ô nhiễm môi trường nước sông, hồ bằng cách dùng chế phẩm mới. Công ty Thoát nước Hà Nội (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được giao phối hợp thực hiện việc này.

Khi đó, ông Chung với Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị Công ty Watch Water (Đức) nghiên cứu chế phẩm Redoxy-3C, một sản phẩm này độc quyền cho Hà Nội sử dụng làm sạch nước. Watch Water đồng ý và đưa giá bán 8,5 Euro/kg.

Sau khi thử nghiệm 100 kg chế phẩm đầu tiên, ông Chung chỉ đạo miệng Tổng giám đốc Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic. Đây là doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thành lập, góp 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên cổ phần.

Do chỉ đạo của cựu Chủ tịch Hà Nội, Công ty Thoát nước mua chế phẩm Redoxy-3C qua Arktic với tổng trọng lượng 489 tấn giai đoạn 2016-2019. Viện kiểm sát cáo buộc, Arktic mua số hàng này với giá 115 tỷ đồng nhưng bán lại giá 151 tỷ đồng nên hưởng lợi bất chính hơn 36 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Chung ngay khi được hỏi ý kiến đã yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội (hiện nghỉ hưu) cùng một số cán bộ của Công ty Thoát nước có mặt trong buổi thử nghiệm làm sạch nước hồ Hoàn Kiếm ngày 31/7/2016.

Mục đích để những người tiến hành tố tụng hiểu rõ hơn buổi thử nghiệm. Bị cáo này còn đề nghị luật sư của mình cung cấp cho Hội đồng xét xử các bản dịch từ băng ghi âm nội dung ông cùng các lãnh đạo UBND Hà Nội trao đổi với Tổng giám đốc Công ty Watch Water vào ngày 25/6/2016 cùng một số tài liệu liên quan.

Luật sư của bị cáo bị cáo Võ Tiến Hùng đề nghị toà triệu tập bổ sung ông Nguyễn Lê, nguyên Chủ tịch Công ty Thoát Nước Hà Nội; ông Phạm Công Bình, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội; ông Nguyễn Doãn Toản, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội); đại diện Cục Hoá chất (Bộ Công Thương)... Chủ tọa cho hay sẽ triệu tập những người này nếu thấy cần thiết.

Cựu Chủ tịch Hà Nội kêu oan

Sau khi kiểm sát viên công bố cáo trạng, Hội đồng xét xử cách ly các bị cáo để xét hỏi riêng từng người. Nguyễn Trường Giang trả lời trước tiên và khai mọi hoạt động tại Công ty Arktic đều “theo chỉ đạo của vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung”. Việc mua hóa chất xử lý nước, Giang làm theo “cuộc điện thoại của ông Chung”.

Bị cáo này khai: “Lô hàng đầu tiên thử mẫu đặt hơn 3 tấn. Khi số hàng này về, bị cáo giao trực tiếp cho Công ty Thoát nước Hà Nội còn họ làm gì tôi không biết”. Bị cáo Võ Tiến Hùng tương tự, khai ông Chung là người chỉ đạo, điều hành quá trình mua Redoxy-3C.

Trình bày sau cùng, ông Chung kêu oan, nói gửi kiến nghị ngay từ khi bị khởi tố tới lúc ra cáo trạng và có quyết định xét xử. Chủ tọa cho hay đã nhận được các kiến nghị và khiếu nại của bị cáo Chung, bản ngắn nhất 10 trang và dài nhất là 38 trang. Cựu Chủ tịch Hà Nội ngắt lời, xin trình bày hàng loạt điểm không đúng của cáo trạng truy tố mình.

Ông Chung khai, Công ty Arktic do con trai ông và một người khác thành lập nhưng ông không muốn con trai kinh doanh nêu yêu cầu anh ta quay lại Australia học tập. Tháng 7/2016, con trai ông về nước làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

“Tôi khẳng định không tham gia điều hành hay góp tiền ở Arktic. Tôi cũng không bàn bạc hay chỉ đạo Giang về các công việc của công ty. Nếu như ngay từ đầu đã biết Công ty Arktic là của con trai tôi, chắc chắn không bao giờ có chuyện Giang bước được một chân vào cửa nhà tôi. Cuộc đời tôi chưa bao giờ bàn bạc với ai và tính toán làm gì để lấy một đồng của nhà nước”, cựu Chủ tich Hà Nội khẳng định.

Ông Chung cho rằng không hưởng lợi, không điều hành hoạt động của Công ty Arktic. Việc cơ quan truy tố cáo buộc ông là người chỉ đạo, điều hành việc mua chế phẩm khi chỉ dựa vào bản khai của bị cáo Võ Tiến Hùng và lời khai của nguyên Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng là không chính xác.

“Tôi đang không hiểu sao bị can Giang và Hùng lại khai như vậy trong kết luận. Xin cho tôi được đối chất tại toà”, ông Nguyễn Đức Chung trình bày.

Cựu Chủ tịch Hà Nội nói thêm “không cử” bị cáo Giang tham gia đoàn công tác Châu Âu, tìm sản phẩm làm sạch nước; Giang được một đơn vị khác mời làm phiên dịch trong chuyến đi. Arktic cũng không được tạo điều kiện để phân phối độc quyền Redoxy-3C.

Cuối cùng, ông Chung cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội là đơn vị kinh doanh nên không thể quy trách nhiệm sai phạm nếu có cho UBND thành phố. 

“Viện kiểm sát quy kết công ty hưởng lợi 36 tỷ đồng từ thiệt hại của UBND Hà Nội là điều cần xem xét lại”, cựu Chủ tịch Hà Nội trình bày.

Đây là vụ án thứ 2 ông Nguyễn Đức Chung bị xét xử. Tháng 12/2020, vị này bị phạt 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan vụ án buôn lậu, rửa tiền tại Công ty Nhật Cường. Ngày 27/12 tới, ông Chung sẽ bị TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Trong vụ này, Chủ tịch Hà Nội bị cáo buộc giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu sai quy định, gây thiệt hại hơn 26,5 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…